Buôn Ma Thuột sẽ là "Thành phố cà phê thế giới"
Toàn cảnh khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới". Ảnh: Hoài Thu

Quảng bá thương hiệu

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới", diễn ra từ ngày 9 - 13/3 tại TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk.

Đây là sự kiện nhằm tôn vinh cây cà phê - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của khu vực Tây Nguyên và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và quốc tế. Lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào các ngày tháng 3 sau Tết âm lịch với nhiều hoạt động như: triển lãm cà phê, hội thảo ngành hàng, biểu diễn nghệ thuật và lễ hội đường phố.

Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025). Đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới".

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa, cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột qua 8 lần tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách trong nước và quốc tế và thực sự trở thành ngày hội để vinh danh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê.

"Trong những ngày diễn ra lễ hội, hy vọng quý vị đại biểu và du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, được đắm mình vào hương sắc cà phê và những lễ hội văn hóa độc đáo, hòa cùng tiếng cồng chiêng trong thời khắc đẹp nhất của tháng ba Tây Nguyên” - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa nhấn mạnh.

Thông qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mong muốn giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn; truyền thống lịch sử cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất; tinh hoa văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó là tiềm năng phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, dịch vụ; quảng bá giá trị, chất lượng, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời tiếp tục đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa; góp phần nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng giá trị, nâng tầm vị thế cà phê thế giới

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Đắk Lắk và các bộ, ngành trung ương trong công tác tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 và biểu dương những thành tích đã đạt được của tỉnh Đắk Lắk về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Thời gian qua, với sản lượng ổn định và sự chuyển mình trong cách thức sản xuất, ngành cà phê Việt Nam đang mở ra những cơ hội mới.

Buôn Ma Thuột sẽ là "Thành phố cà phê thế giới"
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoài Thu

Trong năm 2024, việc cải thiện chất lượng cà phê đã trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành cà phê Việt Nam. Toàn ngành đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng và chứng nhận các vùng sản xuất cà phê bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp trong nước cũng tập trung nâng cao công suất chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của các thị trường lớn; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao là cà phê rang xay và cà phê hòa tan, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam.

Với những nỗ lực trên và sự tăng giá cà phê trong năm 2024 đã tạo ra cuộc “đại nhảy vọt” trong xuất khẩu cà phê của nước ta, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt trên mốc 5 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Trong đó, Đắk Lắk - “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, đã đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” kết hợp với công tác quảng bá thường xuyên, nhất là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức hai năm một lần đã góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu của cà phê.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngành cà phê Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua như: một số thị trường nhập khẩu cà phê đặt ra tiêu chuẩn chất lượng cao, điển hình là quy định chống phá rừng của EU; tỷ lệ khối lượng chế biến sâu cà phê Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu xuất khẩu cà phê thô; các thương hiệu cà phê Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Để nâng tầm giá trị và đặc trưng của cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, người trồng cà phê, các doanh nghiệp, các nhà quản lý cần tập trung vào thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng blockchain và các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh để bảo đảm minh bạch, xây dựng hệ thống quản lý bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bền vững, đặc biệt, cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc phá rừng.

Tăng cường hỗ trợ và đào tạo cho nông dân về các tiêu chuẩn quốc tế, giúp họ hiểu rõ hơn về phương thức sản xuất bền vững và yêu cầu của thị trường các nước; chú trọng và quan tâm hơn nữa công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, giúp gia tăng giá trị cũng như nâng cao vị thế sản phẩm cà phê Việt trên thị trường quốc tế…;

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.

Ngay sau Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng đất, con người, văn hoá và cà phê Đắk Lắk với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1: Buôn Ma Thuột - Khát vọng vươn xa; Chương 2: Buôn Ma Thuột - Hạt vàng đen Robusta; Chương 3: Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê.