Thị trường bán lẻ, dịch vụ khởi sắc trở lại
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công thương cho hay, sức mua của thị trường nội địa đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa khác gặp khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ du lịch trong tháng 7/2023 là minh chứng về sự khởi sắc của nền kinh tế.

Trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đề cập đến tác động tích cực của thị trường trong nước, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng đồng thuận việc tiêu dùng nội địa khởi sắc tạo đà cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh, bù đắp khó khăn do hoạt động xuất khẩu hàng hóa còn nhiều thách thức.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như, đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%. Số người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước.

Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh.

Theo công bố của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 1 triệu du khách trong tháng 7. Đây là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái.

Tiếp tục tận dụng thời cơ kích cầu du lịch

Thị trường bán lẻ, dịch vụ khởi sắc trở lại

"Hơn lúc nào hết, tiêu dùng hàng hóa của thị trường nội địa sẽ tiếp tục được kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ cần thiết, để ngành sản xuất có dư địa phát triển, giảm bớt khó khăn về hàng hóa tồn kho, đọng vốn và tạo dòng tiền”

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa, thu hút du lịch là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023. Các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch và các chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút mạnh mẽ lượng khách quốc tế, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng khu vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

“Doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ tháng 8 cao điểm du lịch, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là dịp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng”- ông Phú lưu ý.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới. Vì vậy, DN trong nước cần tận dụng lợi thế hiện có, để chiếm lĩnh thị phần trên sân nhà, đặc biệt là thời điểm dịp lễ, tết khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức được áp dụng từ 1/7 năm nay có thể sẽ gây áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm, tuy nhiên người dân cũng có xu hướng gia tăng các khoản chi tiêu. Do vậy, đây cũng là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm tận dụng và thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân.

Kích cầu tiêu dùng trong nước bù đắp xuất khẩu

Thị trường trong nước với 100 triệu dân được kỳ vọng tiếp tục là trụ đỡ khi thị trường xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là cần thiết, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.