Thị trường vẫn chưa ra khỏi nhịp điều chỉnh

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần và VN-Index tiếp tục rời xa mốc kháng cự quan trọng là 1.200 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/9, VN-Index đóng cửa tại 1.166,54 điểm, giảm mạnh 113,97 điểm so với phiên cuối cùng của tháng 8 (VN-Index đạt 1.280,51 điểm tại ngày 31/8).

Việc thị trường chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 9 cũng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước, khi tâm lý nhà đầu tư chủ yếu là thận trọng và chờ đợi nhiều thông tin quan trọng như: Phiên tái cơ cấu danh mục các quỹ ETF ngoại, đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 9 và đặc biệt là quyết định tăng lãi suất chính thức từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Bình luận về diễn biến của thị trường trong 2 phiên đầu tuần, đặc biệt là phiên giảm sâu ngày 26/9, nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, sau khi thông tin tăng lãi suất từ FED và Ngân hàng Nhà nước, thị trường không xuất hiện thêm tin tức xấu, nhưng vẫn cần thêm thời gian để thông tin tiêu cực hấp thụ hết vào giá.

Nhà đầu tư cần duy trì quản trị rủi ro danh mục chặt chẽ để giữ các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt cho giai đoạn cuối năm.
Nhà đầu tư cần duy trì quản trị rủi ro danh mục chặt chẽ để giữ các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt cho giai đoạn cuối năm.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia chia sẻ rằng, việc dự đoán diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn đang rất khó. Thông tin trong nước không tác động nhiều, nhưng thị trường đang chịu sự tác động khá trực quan của các thị trường quốc tế, đặc biệt là chứng khoán Mỹ.

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng: “Trong quý IV/2022, chúng tôi thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn đang hiện hữu. Thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu và có thể chớm xuyên thủng vùng đáy tháng 7”.

Theo ông Ngô Công Bình – Trưởng nhóm Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Công thương (CTS), xu hướng chính của thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới vẫn là xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn sẽ có nhịp hồi phục ngắn đi cùng với đó sự luân chuyển dòng tiền qua lại giữa các nhóm ngành/cổ phiếu. “Với tình hình hiện tại, chúng tôi đánh giá VN-Index có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về các vùng điểm 1.150 - 1200 điểm. Do vậy, nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng tiền mặt hoặc cổ phiếu một cách hợp lý, đồng thời quan sát diễn biến của thị trường cũng như chờ thêm kết quả kinh doanh quý III/2022, các số liệu về vĩ mô như GDP, CPI sắp được công bố trong thời gian sắp tới” – Chuyên gia của CTS cho hay.

Sau khi “ngấm” hết tin xấu, thị trường sẽ hồi phục

Theo ông Trần Đức Anh, với việc môi trường đầu tư toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định trong 3 tháng cuối năm, các yếu tố ngoại biên vẫn mang tính chất chi phối diễn biến thị trường trong nước. Dù vậy, “chúng tôi kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS (lãi ròng trên một cổ phiếu) toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác, vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vực” – Chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

Giai đoạn “đãi cát tìm vàng” cho danh mục cuối năm

“Với việc thận trọng trước những bất ổn vĩ mô, có thể gây ra áp lực tới triển vọng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn cho danh mục trong cuối năm 2022” – ông Trần Đức Anh cho biết.

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tìm lại được điểm cân bằng và hồi phục trở lại khi các rủi ro liên quan đến địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế Mỹ hay những bất ổn tại châu Âu đã được phản ánh đáng kể và phần nào hạ nhiệt, cùng với một số yếu tố hỗ trợ trong nước đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng ngoại biên, cùng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công” – ông Trần Đức Anh phân tích.

Đối với dự báo triển vọng thị trường từ nay đến cuối năm, chuyên gia của KBSV dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt 18,3%; đồng thời, giảm mức P/E của VN-Index mục tiêu xuống 13 lần, phản ánh các lo ngại gia tăng về các yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nước. Tương ứng với đó, chỉ số VN-Index được dự báo đạt mức 1.330 điểm vào thời điểm cuối năm.