Thị trường chứng khoán: Các yếu tố nền tảng vẫn tốt, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PV: Sau những phiên giảm mạnh liên tiếp, thị trường chứng khoán đã có phiên hồi phục, ông đánh giá như thế nào về diễn biến của thị trường thời gian gần đây và đâu là nguyên nhân dẫn tới những biến động mạnh của thị trường?

Những yếu tố tích cực nhiều hơn tiêu cực, thị trường chứng khoán diễn biến khá giống năm 2019 là đi ngang, nhưng vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong từng nhóm cổ phiếu, chọn cổ phiếu cơ bản sẽ là giải pháp trú ẩn an toàn hơn.

Thị trường chứng khoán đi ngang, cơ hội vẫn còn ở nhiều nhóm ngành
Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh: Thời gian gần đây chỉ số VN-Index đã có 3 phiên giảm mạnh, việc giảm mạnh này khiến chỉ số tiệm cận về sát vùng đáy trong tháng ba và vùng đáy trong tháng 1/2022. Trước đó khi chỉ số giảm về vùng 1.420 đến 1.430 điểm, thông thường chỉ số sẽ tạo đáy và đi lên, phiên giao dịch ngày 13/4 chỉ số Vn-Index cũng đóng cửa khá sát với vùng hỗ trợ này. Với phiên giao dịch hồi phục ngày hôm qua được xem là phiên phản ứng lại vùng hỗ trợ, đặc biệt nhiều cổ phiếu đã giảm sâu về vùng hấp dẫn.

Nguyên nhân giảm mạnh của thị trường thời gian gần đây chủ yếu từ yếu tố tâm lý, đặc biệt tâm lý tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới. Những phiên gần đây chứng khoán Mỹ vẫn đang trong đà lao dốc khi lo ngại lạm phát, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% hoặc có thể cao hơn, thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng 5. Theo số liệu công bố mới nhất của FED, lạm phát của Mỹ ở mức 8,5%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, áp lực FED tăng lãi suất sẽ rất cao, do đó tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.

Ngoài ra, những thông tin trong nước liên quan đến vụ việc của FLC, Tân Hoàng Minh… khiến cho tâm lý nhà đầu tư lo ngại dòng tiền không chảy vào bất động sản, những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, cổ phiếu đầu cơ thời gian gần đây bị bán tháo mạnh và doanh nghiệp bất động sản cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ba phiên giảm kéo theo hiện tượng call magin xảy ra cũng gián tiếp khiến cho thị trường giảm mạnh.

PV: Theo ông, thời gian tới thị trường sẽ bị tác động bởi những yếu tố nào, liệu thị trường chứng khoán còn tiềm năng và động lực để tiếp tục tăng trưởng?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tháng tư doanh nghiệp sẽ thực hiện công bố kết quả kinh doanh quý I và tổ chức đại hội cổ đông. Thông thường vào mùa đại hội cổ đông sẽ có những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh, cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 và đặc biệt mùa công bố cổ tức năm 2022. Hội chung lại, có rất nhiều thông tin tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này.

Ngoài ra, xét về mức định giá so với khu vực, Việt Nam đang ở mức thấp nhất, chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) ở mức 16 lần đã ở vùng hấp dẫn đối với thị trường cổ phiếu hiện nay.

Thị trường chứng khoán đi ngang, cơ hội vẫn còn ở nhiều nhóm ngành?
Thị trường chứng khoán đi ngang, cơ hội vẫn còn ở nhiều nhóm ngành. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, về dòng tiền, thời điểm trước dòng tiền có khuynh hướng vào nhóm đầu cơ tạo ra độ nóng của thị trường và tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, sóng đầu cơ sau thời gian giảm mạnh vừa qua khiến dòng tiền bị rút ra và dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền tìm kiếm nhóm có tính cơ bản cao, thường khi dòng tiền vào nhóm này sẽ tạo ra những đợt tăng bền vững hơn. Mặc dù thị trường giảm mạnh thời gian qua, nhưng có sự phân hóa rất rõ nét, độ rộng của thị trường lớn hơn, tránh được áp lực giảm sâu, khả năng giảm về vùng 1.430 - 1.420 điểm là khá thấp và sẽ hồi phục từ mức này.

Về rủi ro, FED tăng lãi suất do lạm phát ở mức cao, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư không chỉ ở Việt Nam mà cả thị trường thế giới. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn thận trọng sau những thông tin bắt lãnh đạo của FLC, Tân Hoàng Minh.

Tuy nhiên, yếu tố tích cực nhiều hơn tiêu cực, thị trường diễn biến khá giống năm 2019 là đi ngang, nhưng vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong từng nhóm cổ phiếu, chọn cổ phiếu cơ bản sẽ là giải pháp trú ẩn an toàn hơn.

PV: Ông có cho rằng những động thái mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian gần đây góp phần làm cho thị trường ngày càng minh bạch hơn, thu hút dòng vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán?

Ông Nguyễn Thế Minh: Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đang muốn đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi khi chúng ta đang ở thị trường cận biên, điều kiện lên thị trường mới nổi có một số tiêu chí về thông tin minh bạch thị trường, những động thái vừa qua sẽ là điểm cộng để các tổ chức đánh giá xếp hạng đánh giá tích cực hơn với thị trường Việt Nam.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài đang trú ẩn vào trái phiếu chính phủ, năm 2022 dòng vốn sẽ dịch chuyển sang cổ phiếu nhiều hơn. Trong khi đó, tại thị trường trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng không bán ra, như vậy, họ không rút ra khỏi thị trường, mà ở lại thị trường Việt Nam. Trong những tháng đầu năm thanh khoản thị trường trái phiếu khá yếu, như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại thị trường cổ phiếu với điểm cộng từ đợt tái cấu trúc và minh bạch thị trường.

Đối với nhà đầu tư trong nước, vẫn có những câu chuyện đầu cơ, yếu tố đầu cơ rõ ràng làm cho những nhà đầu tư dài hạn không thích. Sau những vụ việc vừa qua sẽ là yếu tố thu hút để nhà đầu tư ở lại thị trường lâu hơn thay vì chỉ lướt sóng, coi là kênh đầu tư ngắn hạn, may rủi, mua bán cổ phiếu theo hô hào từ các diễn đàn, room… Những sự việc vừa qua cũng sẽ giúp thay đổi tư duy của nhà đầu tư giống như tại các thị trường chứng khoán mới nổi, đó là xem thị trường cổ phiếu là kênh đầu tư dài hạn, là một kênh tích sản chứ không phải là kênh mua bán may rủi.

PV: Ông có lời khuyên gì dành cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi tiếp nhận rất nhiều tin đồn làm ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản, thanh khoản thị trường rất cao, trong tương lai lượng vốn hóa của thị trường còn tăng cao hơn nữa khi Nhà nước đang thực hiện việc niêm yết cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta sẽ đón nhận lượng lớn hàng hóa trên thị trường chứng khoán, về cơ bản nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa chọn để đầu tư vào cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư cần thận trọng và tránh mua bán theo đám đông, hoặc mua bán theo thông tin mà chúng ta chưa kiểm chứng. Về cơ bản thì nhà đầu tư nên đầu tư xoay quanh các yếu tố về nội tại của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần có những phương án để xử lý rủi ro trong ngắn hạn, thay vì chúng ta chỉ dựa hoàn toàn vào tin đồn. Thời điểm hiện tại, chỉ số đang giảm về ngưỡng hỗ trợ quan trọng vùng đáy, do đó nhà đầu tư đang nắm giữ đòn bẩy cao trong giai đoạn này cần giảm bớt tỷ lệ đòn bẩy. Nhà đầu tư nên nắm giữ khoảng 35 - 40% danh mục, giai đoạn này sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm cổ phiếu tăng và có mức giá rẻ như nhóm chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, công nghệ…

PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, khả năng thị trường bị xuyên thủng ngưỡng 1.430 - 1.420 điểm là thấp, do đó thị trường sẽ hồi phục, nhưng thời gian tới thị trường sẽ đi ngang trong một biên độ lớn từ 1.420 đến 1.535 điểm, xảy ra kịch bản như năm 2019, chỉ số cứ biến động trong biên độ này, nhưng nhiều nhóm cổ phiếu vẫn hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế và vẫn tiếp tục đi lên.

PV: Xin cảm ơn ông!