Chứng khoán MB tăng trưởng lợi nhuận 48% trong quý I/2025 Chứng khoán ngày 15/4: Áp lực chốt lời tăng, VN-Index giảm điểm sau 3 phiên tăng mạnh

VN-Index vừa trải qua một phiên giao dịch ảm đạm, kết thúc chuỗi hồi phục mạnh mẽ trước đó. Dù chỉ số chính có lúc vượt qua mốc tham chiếu trong phiên sáng, nhưng áp lực chốt lời dâng cao đã nhấn chìm mọi nỗ lực tăng điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm 13,65 điểm, xuống còn 1.227,79 điểm, trong khi thanh khoản có phần suy giảm với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 22.760 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm sáng trong phiên này đến từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khi khối ngoại quay trở lại mua ròng với giá trị khoảng 103 tỷ đồng trên cả thị trường.

Nhận định về xu hướng thị trường, theo bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), thị trường chứng khoán hiện nay đang trong giai đoạn phục hồi mang tính kỹ thuật, chủ yếu nhờ vào yếu tố tâm lý tích cực và các thông tin hỗ trợ xuất hiện trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau nhịp hồi phục này, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn đi ngang (sideway) để kiểm tra độ tin cậy và tác động thực tế của những thông tin này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng trên 10% nhờ nền tảng vĩ mô tích cực
Diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên ngày 15/4.

Cũng theo chuyên gia từ ACBS, bối cảnh hiện tại vẫn còn nhiều biến số khó lường, đòi hỏi nhà đầu tư cần thận trọng trong việc đánh giá xu hướng. Dù vậy, chuyên gia từ ACBS vẫn duy trì quan điểm lạc quan, cho rằng tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt từ 6,5% đến 7%, tạo nền tảng tích cực cho thị trường.

Cùng với đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng, dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định từ 14% đến 15%.

“Với những yếu tố hỗ trợ này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có khả năng đạt mức tăng trưởng trên 10% trong năm nay, mặc dù hành trình phía trước có thể không bằng phẳng và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ phía nhà đầu tư” – chuyên gia từ ACBS cho biết.

Về diễn biến dòng tiền, chuyên gia từ ACBS nhận định rằng, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường Việt Nam có thể trở nên rõ nét hơn vào kỳ đánh giá tháng 9 tới đây, khi thời gian chỉ còn khoảng 6 tháng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, động thái của nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố rủi ro hiện hữu. Áp lực bán ròng từ khối ngoại có thể tiếp tục duy trì, không chỉ do phản ứng với các thông tin về chính sách thuế mới, mà còn do lo ngại về rủi ro tỷ giá trong bối cảnh biến động của đồng USD và dòng vốn toàn cầu.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là lực cầu từ nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể gia tăng trong thời gian tới. Chuyên gia từ ACBS cho rằng, đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa mặt bằng định giá của VN-Index về mức tiệm cận vùng đáy trong 5 năm gần nhất, một ngưỡng có thể đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư dài hạn quay lại thị trường. Trong bối cảnh chờ đợi động thái nâng hạng chính thức, nhà đầu tư cá nhân trong nước dự báo sẽ đóng vai trò chủ động hơn trên thị trường.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý rằng khi quá trình nâng hạng chính thức diễn ra, sự tham gia của các dòng vốn tổ chức bao gồm các quỹ đầu tư chủ động và đặc biệt là các quỹ ETF – sẽ trở nên rõ nét hơn. Điều này có thể tạo ra một giai đoạn chuyển biến tích cực về thanh khoản và xu hướng dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam./.