Xu hướng điều chỉnh khá rõ nét

Chỉ số VN-Index lập đỉnh từ đầu năm vào cuối tháng 1/2023 với 1.117,1 điểm (27/01/2023), tuy nhiên, thị trường sau đó đi vào giai đoạn điều chỉnh. Tính trong tháng 2/2023 (tính đến ngày 27/2), chỉ số VN-Index đã để mất -89,93 điểm, giảm gần -8,1% so với thời điểm cuối tháng 1.

Thống kê một cách chi tiết hơn, mặc dù thị trường có hồi vào giai đoạn giữa tháng nhưng điều đó là chưa đủ để thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn. Chỉ tính riêng trong 5 phiên giảm gần đây, chỉ số VN-Index để mất -6,76% giá trị, trong khi đó, nhóm cổ phiếu VN30 và midcap giảm nhiều hơn khi lần lượt sụt -8% và -9,2%, riêng nhóm cổ phiếu smallcap sụt -5,89% nhờ dòng tiền vẫn hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cũng cho biết thị trường chứng khoán hiện nay đang có diễn biến điều chỉnh giảm trở lại sau khi đã hồi phục tích cực từ đáy 870 điểm của năm 2022 lên mức 1.117 điểm vào cuối tháng 1/2023. Trong tháng 2/2023, diễn biến điều chỉnh rõ nét hơn với trạng thái giảm điểm của chỉ số VN-Index đi kèm với thanh khoản cũng có xu hướng giảm dần.

Theo các chuyên gia, thị trường giảm đợt này do chịu tác động của nhiều yếu tố. Xuất phát từ việc kết quả kinh doanh quý IV/2022 không thực sự tích cực, thị trường suy giảm về dòng tiền khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước lo ngại tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cùng với đó, trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, thì những yếu tố rủi ro trong nước vẫn chưa có hướng đi rõ ràng cũng có tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, sau đợt mua ròng mạnh, khối ngoại đã chuyển hướng bán ròng trong 2 tuần gần đây. Điều này phần nào làm giảm động lực cho dòng tiền bắt đáy tham gia.

Nguồn: MBS. Thống kê chỉ số VN-Index, tổng giá trị giao dịch và giá trị khớp lệnh sàn HOSE.
Nguồn: MBS. Thống kê chỉ số VN-Index, tổng giá trị giao dịch và giá trị khớp lệnh sàn HOSE.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia khác cũng chia sẻ: “Thị trường đã đi hết 2 tháng đầu năm mới 2023 nhưng yếu tố tác động vẫn là câu chuyện cũ. Điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt khi các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, câu chuyện xoay trục được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng trong tháng 1 dần phai nhạt khi “lạm phát” ở Mỹ nóng hơn dự báo. Thị trường trong nước đang trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn, đồng pha với chứng khoán toàn cầu nhưng tác động từ yếu tố nội tại trội hơn so với các yếu tố bên ngoài”.

Về dòng tiền, chuyên gia này cho rằng, thanh khoản bình quân toàn thị trường chỉ còn một nửa so với cùng kỳ 2 năm trước, cho thấy dòng tiền lớn thận trọng hoặc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 2 tuần vừa qua sau nhịp bắt đáy thành công hồi tháng 10 - 11 cũng là lực cản đáng kể đối với thị trường.

Mốc VN-Index 1.000 điểm liệu đã chắc chắn?

Nhiều dự báo cho thấy, trong bối cảnh hiện tại khó có thể kỳ vọng thị trường có sóng như các giai đoạn trước, mà thị trường nhiều khả năng dao động trong biên hẹp hoặc không rõ xu hướng có thể còn tiếp diễn cho tới khi có thông tin hỗ trợ mới, hoặc là tốt hơn hoặc là xấu hơn.

Theo nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc, về ngắn hạn, thị trường chứng khoán trong nước đang ở vùng trũng thông tin hỗ trợ trong khi nhiều thông tin tiêu cực đang dần phản ánh vào quá trình điều chỉnh gần đây của thị trường. Cụ thể như: FED tiếp tục tăng lãi suất trong quý I, II/2023 và có thể duy trì mặt bằng lãi suất cao lâu hơn khi lạm phát giảm chậm; thực trạng suy giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp; các chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn chờ đợi;….

Giảm là xu hướng chung của nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, xu hướng giảm cũng diễn ra ở nhiều thị trường chứng khoán quốc tế. Thống kê trong tuần qua, trong 12 thị trường chứng khoán trên thế giới, chỉ có duy nhất chỉ số CN-Shanghai giữ được đà tăng +1,34%, các thị trường còn lại, bao gồm cả VN-Index đều giảm, trong đó có nhiều chỉ số giảm mạnh, như: S&P500-Index -2,67%; Dow Jones -2,99%; HongKong -3,43%;…

“Mốc 1.000 điểm vẫn là vùng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh với thị trường chứng khoán trong nước hiện tại ở mức khá cao, nên việc VN-Index giảm dưới 1.000 điểm vẫn là một khả năng có thể xẩy ra” – ông Ngọc nói.

Một chuyên gia khác cũng chia sẻ với phóng viên TBTCVN, với nhiều nhà đầu tư tham chiếu theo chỉ số, ngưỡng tâm lý 1.000 điểm có thể là điểm tựa để thị trường phục hồi, lực cầu bắt đáy có thể tham gia mạnh hơn ở ngưỡng kỹ thuật này. Trong kịch bản lạc quan nếu thanh khoản gia tăng ở khu vực này thì có thể kỳ vọng nhịp hồi kỹ thuật, tuy vậy khả năng thị trường cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp. Trong kịch bản dòng tiền thận trọng hoặc tiếp tục giảm, thị trường cần có thời gian để tích lũy.

“Chúng tôi giữ quan điểm là thị trường vẫn đang trong quá trình tìm đáy ngắn hạn, bởi các yếu tố quốc tế và nội tại hiện chưa có điểm sáng. Do đó, mốc 1.000 điểm vẫn chưa thể khẳng định là đáy để thị trường hồi trở lại. Mặc dù vậy, về ngắn hạn, trong nhịp điều chỉnh hiện tại, ngưỡng 1.000 điểm đang là vùng hỗ trợ khá mạnh, hoặc ít nhất là ngưỡng hỗ trợ tâm lý, vì thế cũng không loại trừ khả năng có một nhịp hồi nhẹ về kỹ thuật sẽ xuất hiện” - chuyên gia này phân tích thêm./.