WTI tăng vọt lên trên 70,00 đô la khi cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel làm dấy lên lo ngại Trên thị trường dầu mỏ toàn cầu
Thị trường năng lượng trong tuần vừa qua chứng kiến lực bán áp đảo. Ảnh minh họa

Áp lực đè nặng lên thị trường dầu mỏ

Theo ghi nhận của MXV, thị trường năng lượng trong tuần vừa qua chứng kiến lực bán áp đảo trên toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá dầu WTI đã ghi nhận mức giảm tuần khoảng 1,35%, rơi xuống mốc 65,16 USD/thùng, mốc thấp nhất kể từ đầu tháng 7. Giá dầu Brent cũng dừng ở mốc thấp nhất trong vòng gần ba tuần qua, 68,44 USD/thùng, tương ứng với mức giảm 1,21%.

Trong tuần qua, tâm điểm lo ngại trên thị trường tiếp tục xoay quanh căng thẳng thương mại toàn cầu, khi Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại mới với các đối tác chủ chốt như EU và Trung Quốc, trong bối cảnh thời hạn 1/8 đang cận kề. Diễn biến này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời kéo theo triển vọng tiêu thụ năng lượng trở nên kém tích cực.

Ở phía nguồn cung, áp lực lên giá dầu tiếp tục hiện hữu khi Saudi Arabia và Kazakhstan thuộc nhóm OPEC+ đồng loạt đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng nguồn cung đáng kể ra thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang dồn sự chú ý vào quyết định về sản lượng tháng 9 của OPEC+, với phần lớn dự báo nghiêng về khả năng nhóm này sẽ tiếp tục nâng sản lượng, nối dài xu hướng gia tăng nguồn cung đã xuất hiện trong các tháng trước.

Trong khi đó, thông tin tích cực về nhu cầu năng lượng tại Mỹ đã góp phần kìm hãm đà giảm giá dầu trong tuần vừa qua. Cả hai nhóm thông tin về thị trường việc làm và nhóm chỉ số PMI đều tương đối khả quan cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó hỗ trợ viễn cảnh gia tăng nhu cầu năng lượng. Ngoài ra, dữ liệu từ báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng chỉ ra lượng tồn kho dầu thô tiếp tục giảm mạnh, cho thấy sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân Mỹ.

Trong tuần này, thị trường đặc biệt tập trung vào quyết định về lãi suất cơ bản của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo các chuyên gia, khả năng FED cắt giảm lãi suất từ mức 4,25 - 4,5% là không cao, do lo ngại về rủi ro lạm phát tái xuất hiện khiến phần lớn dự báo nghiêng về kịch bản giữ nguyên lãi suất. Tuy vậy, FED vẫn chịu sức ép lớn từ Chính quyền Tổng thống Donald Trump với các đề nghị cắt giảm mạnh lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn - yếu tố có thể tạo thêm sóng trên thị trường tài chính và năng lượng.

Đối với thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu đã được Liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giảm nhẹ, cùng chiều với giá dầu thế giới. Trong chiều 24/7, giá 3 trên 5 mặt hàng đã được điều chỉnh giảm; đáng chú ý là 2 mặt hàng xăng đều được điều chỉnh hơn 1% trong khi giá dầu diesel được điều chỉnh theo hướng ngược lại. Trong kỳ điều chỉnh vừa qua, Liên Bộ tiếp tục không thực hiện trích lập cũng như không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên thị trường Mỹ đã ghi nhận đà lao dốc mạnh trong tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá khí tự nhiên giao dịch trên sàn NYMEX dừng lại tại mốc 3,11USD/MMBtu, tương ứng mức giảm gần 12,8% so với thời điểm đầu tháng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những dự báo thời tiết dịu mát kéo dài tại nhiều khu vực ở Mỹ trong tuần, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu sử dụng điện - đặc biệt với nhóm nhà máy điện khí thường tăng công suất trong điều kiện nắng nóng cao điểm. Cùng với đó, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ghi nhận tồn kho khí tự nhiên tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7, dẫn tới sức ép giảm giá đáng kể cho mặt hàng này trên thị trường nội địa Mỹ.

Giá quặng sắt đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, thị trường kim loại ghi nhận những diễn biến tương đối trái chiều. Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8 ghi nhận mức tăng tuần 2,24%, đạt 103,03 USD/tấn, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Trong tuần qua, giá quặng sắt đã có thời điểm vượt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2, chủ yếu nhờ thông tin Trung Quốc khởi công dự án thủy điện hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố tại Tây Tạng - công trình được đánh giá là “dự án thế kỷ” với tổng vốn đầu tư lên tới 167 - 170 tỷ USD. Theo các tổ chức phân tích, riêng dự án này dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 2 - 2,5 triệu tấn thép, tương đương gần 3% sản lượng thép thô bình quân hàng tháng của Trung Quốc, qua đó tạo động lực đáng kể cho nhu cầu nguyên liệu đầu vào như quặng sắt trong giai đoạn tới.

Đà tăng của giá quặng sắt trong tuần qua đã bị ghìm lại khi thị trường đón nhận thêm những thông tin kém tích cực về tình hình tiêu thụ thực tế.

Theo dữ liệu từ đơn vị phân tích thị trường kim loại SMM, tính đến ngày 23/7, tỷ lệ vận hành lò cao tại 242 nhà máy thép Trung Quốc được khảo sát đã giảm 0,11 điểm phần trăm so với tuần trước đó, xuống còn 86,9%. Tỷ lệ sử dụng công suất cũng giảm nhẹ xuống mức 89,57%, kéo sản lượng gang nóng trung bình hàng ngày giảm 2.100 tấn, chỉ còn 2,4 triệu tấn.

Ở phía nguồn cung, giá quặng sắt cũng chịu sức ép từ lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh. Theo số liệu từ cảng vụ Pilbara (Australia), tại cảng xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới là Port Hedland, khối lượng xuất khẩu trong tháng 6 đạt mức cao kỷ lục 54,6 triệu tấn, tăng 2,8% so với tháng 5. Trong đó, riêng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng hơn 8%, lên mức 49,2 triệu tấn. Tại cảng Dampier, cảng xuất khẩu quặng sắt lớn thứ ba của Australia, xuất khẩu trong tháng 6 cũng tăng 4,8% lên gần 13 triệu tấn.

Ngoài ra, theo tổ chức nghiên cứu thị trường kim loại SteelHome, tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc trong tuần kết thúc ngày 25/7 đã tăng nhẹ 0,11%, lên 131,1 triệu tấn, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần liên tiếp sụt giảm. Nếu đà tăng tồn kho kéo dài trong bối cảnh sản lượng thép tại Trung Quốc suy yếu, giá quặng sắt có thể mất đi lực nâng đỡ quan trọng khi lo ngại dư cung lan rộng trên thị trường.