Một năm nhiều thăng trầm

Bất chấp bối cảnh quốc tế không thuận lợi như lạm phát cao, xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển, cũng như việc USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi suất tại Việt Nam có xu hướng giảm (để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19), còn VND chỉ mất giá chưa tới 3% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới và trong khu vực.

Nguyên nhân chính là do lạm phát tại Việt Nam tương đối thấp. Cho đến giữa năm 2022, lạm phát tại Việt Nam mới chỉ ở mức 3,4%, trong khi tại Mỹ là 9%. Kết quả này đạt được là nhờ sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (giảm thuế đối với xăng dầu) và chính sách tiền tệ (bán USD giữ ổn định tỷ giá) để kiểm soát lạm phát nhập khẩu, khi giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh.

Tuy nhiên, kể từ cuối quý III/2022 các biến số như lãi suất, tỷ giá tại Việt Nam đã có những dao động tương đối mạnh.

Thị trường tài chính - tiền tệ năm 2022: Bức tranh đa sắc màu

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, đồng thời USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế đã thúc đẩy xu hướng đầu cơ ngoại tệ tại Việt Nam gia tăng. Một mặt, các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường mua USD để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai, mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu lại tăng cường găm giữ ngoại tệ để chờ bán với giá cao hơn. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại sụt giảm mạnh sau một thời gian dài can thiệp. Những yếu tố này đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải nới biên độ (từ +/- 3% lên +/- 5%) để tỷ giá dao động linh hoạt hơn. Trong 2 tháng 9 và 10/2022, VND đã giảm giá khoảng 5,4% so với USD, cao hơn cả mức giảm giá của 8 tháng đầu năm là 3,5%.

Trong những tháng cuối năm 2022, lãi suất cũng có xu hướng tăng và neo ở mức cao hơn hẳn so với giai đoạn đầu năm. Bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất điều hành tăng thêm 2%, NHNN cũng giảm đáng kể tốc độ tăng cung tiền, chỉ ở mức 3,2% trong 9 tháng năm 2022. Lý do chính khiến NHNN thắt chặt tiền tệ là để ổn định tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát. Mặc dù vẫn thấp hơn nhiều nước, nhưng lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam đang có xu hướng tăng và đã vượt mức 4% kể từ tháng 10/2022.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 cũng bị tác động tiêu cực sau các vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã không thể huy động vốn và gặp khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu trước hạn. Trong bối cảnh NHNN thắt chặt tiền tệ, sự bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến thanh khoản của hệ thống trở nên căng thẳng hơn và đẩy lãi suất huy động và cho vay lên cao hơn.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Mặc dù vậy, kể từ tháng 12/2022 đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam đang dần ổn định trở lại. Trước hết là lạm phát tại Mỹ nhiều khả năng đã đạt đỉnh và có xu hướng giảm bền vững. Điều này hàm ý rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang ở giai đoạn cuối. Đồng USD, vì vậy, đã giảm giá mạnh trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, giá USD tại Việt Nam đã giảm về mức dưới 23.700 VND/USD vào giữa tháng 12/2022.

Xu hướng giảm giá của đồng USD được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy trong năm 2023. Mặt khác, khi đồng USD giảm giá, tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ giảm theo. NHNN, do vậy, có thể bắt đầu mua USD từ năm 2023 để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời bơm thêm thanh khoản cho nền kinh tế, giảm bớt áp lực lên lãi suất.

Áp lực và rủi ro sẽ còn tiếp tục trong năm 2023

Tuy nhiên, trong năm 2023 vẫn còn một số rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam.

Trước tiên, mặc dù CPI trong năm 2022 chỉ tăng trung bình khoảng 3%, nhưng lạm phát cơ bản so với cùng kỳ hiện đã ở mức 4,8%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát trong năm sau vẫn còn khá lớn. Hơn nữa, áp lực này có thể liên quan đến việc cung tiền trong những năm qua luôn tăng cao hơn so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu lạm phát gia tăng, NHNN sẽ phải thắt chặt tiền tệ và đẩy lãi suất lên cao hơn.

Rủi ro lạm phát trong năm 2023 cũng có thể đến từ việc giá dầu tăng khi Trung Quốc nới lỏng các quy định về phòng dịch Covid-19 và mở cửa nền kinh tế trở lại. Giá dầu cũng có thể tăng, nếu các nước châu Âu tăng cường tích lũy nhiên liệu cho mùa đông năm sau, còn xung đột giữa Nga và Ucraina trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát do giá dầu trong năm sau không lớn, khi các nền kinh tế phát triển, điển hình là Mỹ và châu Âu, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Cân đối các áp lực lạm phát hiện nay, có thể nhận định rằng lãi suất có thể không tăng mạnh, nhưng cũng sẽ khó giảm mạnh trong năm 2023, trừ khi kinh tế thế giới và Việt Nam cùng rơi vào suy thoái sâu.

Nhiều ngân hàng cam kết giảm lợi nhuận

Trước thực trạng một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động, ngày 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn, tối đa là 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau cuộc họp này, 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Có lẽ rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam trong năm 2023 là tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu sụt giảm mạnh, dư địa tín dụng bất động sản không còn nhiều, áp lực tìm nguồn vốn để trả nợ trái phiếu đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm sau sẽ khá lớn. Rủi ro của thị trường bất động sản cũng sẽ khiến các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong việc bơm tiền cho lĩnh vực này. Nếu các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn do thiếu vốn, hệ thống ngân hàng sẽ bị vạ lây do nợ xấu gia tăng.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để kỳ vọng vào một gói cứu trợ bất động sản do sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính cũng như thiếu sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước có thể đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết đề các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng hoàn thiện các dự án dở dang và đưa vào kinh doanh, tạo nguồn thu, dòng tiền.

Bên cạnh đó, việc đàm phán tái cơ cấu nợ giữa các doanh nghiệp bất động sản và các trái chủ cũng cần được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng thực hiện. Các doanh nghiệp bất động sản cũng có thể bán tài sản với mức chiết khấu lớn hoặc phát hành cổ phiếu với giá hấp dẫn để tạo nguồn trả nợ và phát triển các dự án còn dở dang. Nếu các giải pháp này được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung sẽ dần được khôi phục.