Từng bước mở rộng

Phải đưa cuộc chiến chống tham nhũng sang thời khắc mới đã trở thành đòi hỏi bắt buộc. Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu, từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương, sáng 4/5/2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương, sáng 4/5/2022.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng cũng sẽ sớm được thành lập khi tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua góp ý xây dựng Đề án thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt!".

Mô hình BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dự kiến do bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban, chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương mình.

Có thụt lùi không?

Dù “giặc” dịch có vẻ đã thoái lui thì giờ cả nước vẫn hừng hực khí thế “ra trận”, không còn phải đương đầu với “giặc” dịch thì lại tiếp tục cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, trong khi vào cuối năm trước, khí thế chủ đạo là phục hồi phát triển kinh tế. Bởi vậy, không thể không hồi hộp về sức khỏe của nền kinh tế sẽ ra sao khi phải triền miên chiến đấu.

Ngày 4/5/2022, khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Ngày 4/5/2022, khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Nhìn lại thời điểm cuối năm 2017, cũng đang là lúc cao trào của cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tới dự hội nghị Chính phủ và các địa phương để mang đến thông điệp kiên quyết đấu tranh loại bỏ “giặc” tham nhũng. Ông khẳng định: “Thực hiện tốt những việc đó sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ”.

“Vòi bạch tuộc”

Mới chỉ qua 4 tháng đầu năm 2022 mà cơ quan tố tụng đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có: 1 thứ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh, 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chưa hết, hiện có hai đương kim ủy viên Trung ương Đảng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét xử lý kỷ luật vì liên quan đến thương vụ hắc ám kit test Việt Á. Trên chính trường là như vậy, còn trên thương trường, hàng loạt doanh nhân rơi vòng lao lý. Những diễn biến này càng cho thấy một thực tế rằng, tham nhũng không còn là những vụ lẻ tẻ mà là mối quan hệ chằng chịt như "vòi bạch tuộc" giữa doanh nhân và quan chức.

“Vòi bạch tuộc” đã là vấn đề rất nóng tại nhiều kỳ họp của Quốc hội khóa trước. Hồi năm 2019, những cơn phẫn nộ dai dẳng của đại biểu Quốc hội về doanh nghiệp “sân sau”, lợi ích nhóm nổ ra từ chính đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, nơi mà lãnh đạo của địa phương này đang bị nhiều hoài nghi từ dư luận vì vụ án Nhật Cường. Còn tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, Ban Dân nguyện từng báo cáo rằng, cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử có công ty “sân sau” làm kinh tế, có lợi ích nhóm, “chống lưng” cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Sở dĩ Tổng Bí thư phải khẳng định như vậy là để trấn an những “xao động” trong nội bộ chính trường về việc làm mạnh như vậy có triệt tiêu các động lực phát triển kinh tế không; có khiến kinh tế bước thụt lùi không khi tất cả sẽ đều chỉ muốn co cụm lại và phòng thủ?

Thực tế cho thấy, nhiệm kỳ 2016 - 2020 là một nhiệm kỳ phát triển rực rỡ, như theo nhận định được ghi trong Nghị quyết của Đại hội XIII (tháng 1/2021): “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Phát biểu trước Quốc hội tại Lễ nhậm chức Chủ tịch nước vào sáng 26/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại nhiệm kỳ 2016 - 2020 bằng một vài con số rằng: “Trong một nhiệm kỳ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập nhưng chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP, cùng với hơn 8 triệu việc làm (chưa bao gồm rất nhiều việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức); bảo đảm sinh kế, cơm ăn, áo mặc, y tế, giáo dục, phúc lợi cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo trên khắp cả nước.”.

Đất đai và hàng loạt câu hỏi vì sao?

Đầu tháng 7/2021, tức là mới chỉ nửa năm sau Đại hội XIII, đã có một Ủy viên Trung ương Đảng bị loại ra khỏi đội ngũ. Đó là trường hợp của Ủy viên Trung ương Đảng Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương. Cuối tháng 7/2021, ông này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015. Và đất đai là nguồn cơn chính dẫn đến hành vi phạm tội của bị can Trần Văn Nam, theo kết luận điều tra của Bộ Công an là “đặc biệt nghiêm trọng”.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã trở thành vấn đề được bàn thảo hàng đầu tại Hội nghị Trung ương 5. Phát biểu khai mạc hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta đều đã biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất". Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...”.

Cho rằng không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai, Tổng Bí thư thấy cần tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...