Sẽ có quy định về ngăn chặn rửa tiền qua tiền ảo, Bitcoin Đề nghị đưa tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ

Chiều 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành chiếm 96,99%. Luật có hiệu lực từ 1/3/2023.

Kịp thời đáp ứng các khuyến nghị quốc tế về phòng, chống rửa tiền

Theo báo cáo của UBTVQH, báo cáo kết quả đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG) về phòng, chống rửa tiền (PCRT) cho thấy quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Với những thiếu hụt này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường của FATF.

Trong một năm kể từ khi bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường (từ tháng 3/2022 - 3/2023), nếu không thể hiện được sự tiến bộ và không đáp ứng được các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về PCRT, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (danh sách Xám). Danh sách công khai toàn cầu của FATF và chịu sự giám sát tăng cường của FATF.

Thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Giảm nguy cơ Việt Nam bị đưa vào danh sách Xám

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình

"Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính Việt Nam (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và phải chịu sự rà soát tăng cường có thể làm giảm đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Với các nội dung sửa đổi tại Luật PCRT hiện nay liên quan đến 25/40 Khuyến nghị của FATF, dự kiến có 11/25 khuyến nghị có thể được coi là đáp ứng, 14/25 khuyến nghị có thể được coi là chỉ đáp ứng một phần, do còn liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản pháp luật khác (như: Bộ Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống khủng bố, các quy định xử phạt vi phạm hành chính…) và quá trình tổ chức thực hiện. Điều này thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các thiếu hụt theo khuyến nghị của APG/FATF cũng như đáp ứng thời hạn xử lý thiếu hụt chậm nhất đến tháng 3/2023 và như vậy, FATF sẽ ghi nhận nỗ lực này và cân nhắc không đưa Việt Nam vào danh sách Xám.

Cùng với việc sửa đổi Luật PCRT, để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách Xám, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung khuyến nghị khác tại các các luật có liên quan.

Chưa đủ cơ sở áp dụng Luật Phòng, chống rửa tiền với tài sản ảo, tiền ảo

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng cho biết, một số khuyến nghị của FATF mặc dù đang được đánh giá mới đáp ứng được một phần, tuy nhiên khi rà soát, Chính phủ báo cáo đây không phải khuyến nghị cốt lõi và việc đáp ứng khuyến nghị khó bảo đảm được tính khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, do đó Chính phủ đề nghị chưa bổ sung vào dự thảo Luật vào thời điểm hiện tại như đối với khuyến nghị số 15 - công nghệ mới (liên quan đến tài sản ảo); khuyến nghị số 12 về cá nhân có ảnh hưởng chính trị…

Về ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, UBTVQH giải trình cho hay hiện các Bộ ngành mới đang triển khai nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và vì vậy, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp PCRT đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của UBTVQH. UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Giảm nguy cơ Việt Nam bị đưa vào danh sách Xám
Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, lo ngại về việc tăng chi phí tuân thủ, gây khó khăn không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân, nhất là với đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho biết dự thảo Luật vẫn cơ bản kế thừa một số quy định như Luật hiện hành và quá trình triển khai chưa thấy Chính phủ báo cáo gặp vướng mắc. Nghĩa vụ của đối tượng báo cáo về cơ bản đã được quy định tại Luật PCRT năm 2012 như nhận biết khách hàng, báo cáo giao dịch có giá trị lớn, báo cáo giao dịch đáng ngờ và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử vượt mức quy định… Đây là các nghĩa vụ được quy định xuyên suốt trong các khuyến nghị của FATF.

Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát giảm bớt 4/10 nội dung xây dựng quy định nội bộ của đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ (Điều 24); cho phép đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức khác hoặc bên thứ ba để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp (khoản 2 Điều 12); được gửi dữ liệu điện tử hoặc báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử trong trường hợp cần thiết (Điều 36); điều chỉnh thời hạn gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ từ 2 ngày làm việc lên 3 ngày làm việc (Điều 37)… Bên cạnh đó, UBTVQH đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý tại dự thảo Luật nhiều điều, khoản nhằm bảo đảm tính khả thi, rõ ràng, cụ thể, dễ triển khai hơn trong thực tiễn.