Giao thẩm quyền cho Thủ tướng phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí để rành mạch về trách nhiệm Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Sửa Luật Dầu khí: Cần quy định mức nội địa hóa để khuyến khích phát triển ngành dầu khí trong nước

Cơ chế khai thác mỏ tận thu: Chính sách mang tính đột phá

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá. Đây cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều lô, mỏ dầu sẽ ở giai đoạn cuối đời khai thác, chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu. Luật cũng quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí (khoản 5 Điều 41).

Để chính sách phát huy hiệu quả, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rà soát, ban hành các văn bản dưới luật. “Các quy định đưa ra cần đảm bảo hiệu quả khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí” - UBTVQH yêu cầu.

Cùng với đó, Bộ Công thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế khai thác mỏ dầu khí tận thu

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Về chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đồng ý sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hạ thuế suất tối thiểu từ 25% đến 50%; nếu được thì đưa ngay vào Khoản 3 Điều 10 Luật Thuế TNDN là: Đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư thì thuế suất là 32%, chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt là 25%, đối với các hợp đồng dầu khí khác thì giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25% đến 50% hoặc giao UBTVQH quyết định trên cơ sở Chính phủ trình; giữ lại nội dung “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều này”, tại Khoản 3 Điều 10 Luật Thuế TNDN.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của UBTVQH cho biết, dự thảo đã tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa về mặt kỹ thuật tại Khoản 1 Điều 67 bảo đảm đúng kỹ thuật văn bản, không ảnh hưởng đến nội dung khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện hợp nhất.

Đối với chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí, dự thảo giữ quy định sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 10 Luật Thuế TNDN như đã trình, không quy định trực tiếp chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí tại Luật Thuế TNDN vì gắn với đối tượng ưu đãi cụ thể, quy định tại Điều 53 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Quy định về các trường hợp tạm dừng hợp đồng bất khả kháng

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 31 của Luật Dầu khí (sửa đổi) đã chỉnh sửa, quy định khoản riêng về trách nhiệm các chủ thể liên quan trong quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ tại hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh. Theo đó, trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng, PVN báo cáo Bộ Công thương quyết định. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế khai thác mỏ dầu khí tận thu

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 14/11

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt để thực hiện hoạt động dầu khí, đặc biệt khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là PVN hoặc doanh nghiệp 100% vốn của PVN. Lý do là vì theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, PVN phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí.

Theo UBTVQH, dự thảo luật chỉ quy định về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 66) gắn với quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí (Điều 63) có nội dung khác với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

Dự thảo luật không quy định điều kiện về vốn của PVN khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này. Khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia, PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của Luật Dầu khí và quy định khác của pháp luật có liên quan, bao gồm cả quy định về khi bán tài sản dầu khí. Đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí.

Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2023./.