Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 1.
Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ.

Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Trường tiểu học Pa Tần có gần 650 học sinh đang theo học, các em là người dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Mảng, Tày…) chiếm 87,3%; số học sinh bán trú chiếm 40%. Mặc dù điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng các em đã không ngừng nỗ lực vươn lên để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 5.
Thủ tướng tặng Quỹ khuyến học trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần.

Tại chương trình do UBND tỉnh Lai Châu, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Công ty Bảo Việt Nhân thọ tổ chức, Thủ tướng và các đại biểu đã trao hơn 700 phần quà ý nghĩa bao gồm 100 chiếc xe đạp, 300 suất học bổng bằng tiền mặt và hàng trăm quà tặng ý nghĩa với tổng giá trị khoảng 600 triệu đồng cho các em.

Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 6.
Thủ tướng tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và xúc động tới dự Chương trình trao quà và học bổng cho trẻ em tỉnh Lai Châu - một hoạt động hết sức có ý nghĩa, góp phần chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và tạo điều kiện tốt hơn cho trẻ em phát triển, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mối quan tâm lớn của xã hội và là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân. Cần lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu quý luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng; coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là ươm "mầm xanh tương lai" cho đất nước. Bác căn dặn: "Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ…"; "Chúng ta hy sinh phấn đấu, đều nhằm mục đích xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhi đồng ta".

Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được ban hành, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả.

Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 9.
Riêng với trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, Thủ tướng phấn khởi khi thấy chất lượng giáo dục của nhà trường liên tục được nâng lên; các cháu học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng cơ bản bảo đảm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực thực hiện cùng sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân, các nhà hảo tâm.

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh và duy trì qua các năm; tiêm chủng trẻ em cơ bản được bảo đảm. Giáo dục trẻ em đạt được những kết quả quan trọng; tỉ lệ trẻ em đi học đúng tuổi các cấp không ngừng tăng lên.

Đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng. Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được tăng cường.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn được hỗ trợ về nhiều mặt, nhất là về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội. Quyền được tham gia của trẻ em tiếp tục được quan tâm, chú trọng; tiếng nói, nguyện vọng của các em được lắng nghe, đáp ứng.

Qua báo cáo, Thủ tướng rất vui mừng khi được biết, tỉnh Lai Châu luôn thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quan tâm đầu tư, nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tỉnh đã hỗ trợ đầy đủ, kịp thời chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 142.000/151.000 học sinh toàn tỉnh (theo Nghị định số 81 của Chính phủ); bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí nguồn lực hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn tập trung cho trên 58.000 trẻ và nhiều chính sách khác, nhất là cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã thuộc địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Riêng với trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, Thủ tướng phấn khởi khi thấy chất lượng giáo dục của nhà trường liên tục được nâng lên; các cháu học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng cơ bản bảo đảm, là điều kiện rất tốt để phát triển toàn diện; học sinh chăm ngoan, thầy cô trách nhiệm. Đặc biệt, trường có 36 học sinh là dân tộc Mảng, chỉ có 5,6 nghìn người.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lai Châu trong trong nỗ lực thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và tại Lai Châu nói riêng; trân trọng và cảm ơn những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

"Mỗi người sẻ chia, mỗi cơ quan, doanh nghiệp đóng góp, cả cộng đồng chung tay, hành động bằng trái tim mình, chúng ta sẽ cùng nhau tạo thành nguồn lực, động lực, truyền cảm hứng quan trọng để trẻ em được hưởng quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, được bảo vệ, được chăm sóc, được đến trường, được phát triển toàn diện", Thủ tướng phát biểu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhìn nhận, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức. Vẫn còn các cháu thiếu nhi gặp khó khăn, có nguy cơ bị xâm hại về cả thể chất lẫn tinh thần. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trầm cảm… vẫn diễn ra. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh có nơi còn chưa chủ động, kịp thời, tích cực. Tại một số nơi, nhất là những địa bàn khó khăn, cơ sở vật chất giáo dục còn thiếu thốn, chưa bảo đảm. Tỉ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở khu vực miền núi vẫn còn cao…

Để giải quyết những vấn đề này, để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà trường tập trung rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng. Hỗ trợ toàn diện hơn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi hay gặp thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho trẻ về cả dinh dưỡng và tinh thần.

Thủ tướng: Mỗi người cần hành động bằng cả trái tim để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau- Ảnh 10.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ.

Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông về thực hiện quyền trẻ em. Quan tâm giáo dục kiến thức kỹ năng làm cha mẹ; tăng cường thúc đẩy vai trò, trách nhiệm pháp lý của cha mẹ, gia đình thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước ở trẻ em.

Thủ tướng lưu ý, cần huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các công trình phụ trợ cho các trường, đặc biệt là trường nội trú, bán trú (xây dựng phòng học bộ môn, các phòng chức năng; phòng ở nội trú, bán trú; thiết bị phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa; bếp ăn; nhà tắm, công trình nhà vệ sinh…), nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng cho biết đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết mô hình phổ thông dân tộc nội trú để tiếp tục hoàn thiện chính sách, phát triển, phát huy mô hình này phù hợp điều kiện, hoàn cảnh từng nơi, từ đó thực hiện tiếp cận bình đẳng về giáo dục với tất cả mọi đối tượng trong xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em nói chung, trong đó có trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… cần được chăm lo, yêu thương, từ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện của các cấp và sự chung tay, tình cảm, trách nhiệm của các thầy cô tại các trường học. "Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng khẳng định.

Với trường Tiểu học Pa Tần, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhất là nơi ở và nhà vệ sinh cho các em học sinh.

"Mỗi chúng ta - cả người lớn cũng như các cháu nhỏ - hãy cùng chung tay có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn vì mọi trẻ em ở Việt Nam, để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa và không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng động viên các em học sinh cố gắng trong học tập và rèn luyện, đạt thành tích tốt, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, trở thành những công dân có ích.

Với những em có hoàn cảnh đặc biệt, Thủ tướng khẳng định không có khó khăn nào có thể ngăn cản các em ấp ủ ước mơ, hoài bão, tin tưởng rằng các em sẽ quyết tâm, cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để học tập, rèn luyện và vươn lên./.