Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: DT

>> Nghệ An: 'Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh'

Không khí làm ăn, làm giàu rõ nét hơn

Đề cập tới một số tiến bộ của Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghệ An đã có một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 26 Bộ Chính trị; đề cao tinh thần tự lực tự cường, giàu truyền thống là quê hương Bác Hồ trong xây dựng và phát triển.

Trong năm qua, Nghệ An cũng đã có nhiều đổi mới, ngay trong công tác xúc tiến đầu tư cũng phong phú hơn về hình thức. "Chẳng hạn như, để có cuộc gặp mặt hôm nay, các đồng chí đã chuẩn bị, gặp mặt trao đổi trực tiếp với nhiều nhà đầu tư lớn từ cả trong và ngoài nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự vui mừng khi có nhiều tập đoàn có tên tuổi lớn trong nước và nước ngoài đã có mặt trong cuộc gặp hôm nay. Con số hàng chục nghìn tỷ đồng được ký kết thỏa thuận hôm nay là con số ấn tượng.

Cùng với đó, thời gian qua tại Nghệ An có nhiều dự án, nhà máy đã được đầu tư hiệu quả, nhất là việc sử dụng các công nghệ mới, hiện đại từ nhiều quốc gia trên thế giới. “Nếu đầu tư nhiều mà hiệu quả không cao, ô nhiễm môi trường thì vẫn không tốt”, Thủ tướng nói.

Một điểm đáng mừng khác là “3 tế” (sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường bộ quốc tế) đã bắt đầu hình thành ở Nghệ An. Cùng với việc phát triển các cơ sở hạ tầng khác, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế. Đầu tư cho phát triển nhân lực chất lượng được Nghệ An quan tâm đúng mức; khu vực nông thôn, miền núi cũng được quan tâm đầu tư, cải thiện.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhìn một cách tổng quan, bộ mặt, năng lực, tiềm lực của Nghệ An đang thay đổi qua hàng năm. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi trân trọng chúc mừng những thành quả to lớn đạt được của Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Nghệ An".

Người Nghệ An, đặc biệt giới trí thức, doanh nhân, kỹ sư, cử nhân giỏi là con em Nghệ An đã quay về quê hương để học tập, lao động, làm việc, đầu tư. Đây là hiện tượng mừng, là điều kiện mới để Nghệ An phát triển mà trước đây không phải dễ tìm. Cũng có thể nói, đã xuất hiện nhiều người giàu, người tài ở Nghệ An”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, như báo cáo của tỉnh, phải thẳng thắn nhìn nhận Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tiến bộ nhưng cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn miền núi chiếm tỷ lệ cao trên 60%; thu chưa đủ chi, là tỉnh còn nhận trợ cấp ngân sách lớn của Trung ương và đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân cả nước; cải cách hành chính tuy có bước tiến, nhiều cách làm khác nhau, nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Tôi chỉ rõ vài ý như vậy để các đồng chí rút kinh nghiệm và làm tốt hơn, tiến bộ hơn”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Nghệ An có những lợi thế mà nhiều tỉnh khác không thể so được. Đó là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, đất tốt; dân trí cao, người dân cần cù, thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; có hạ tầng tốt với cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, đường bộ quốc tế và sắp tới trong tương lai gần sẽ có đường cao tốc đi qua Nghệ An. Nghệ An trong xu thế hội nhập đã và đang tiếp tục đổi mới, cải cách để phát triển, nên cần lan tỏa tinh thần đó để không bị tụt hậu. Do đó, đây là thời cơ tốt để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đầu tư và phát triển ở Nghệ An.

Nghệ An phải làm gì?

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đặt vấn đề với tỉnh thông qua một số câu hỏi, để Nghệ An tiếp tục tự lực, tự cường để phát triển mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cho rằng, với tiềm lực của Nghệ An, nhưng bình quân thu nhập đầu người thấp hơn cả nước là chưa đạt yêu cầu. Đây là câu hỏi mà tỉnh phải đặt ra để tìm ra cách nghĩ, cách làm.

Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo: Nghệ An cần có một quy hoạch tốt để không bị mâu thuẫn trong phát triển lâu dài; phải đặt ra vấn đề liên kết vùng nhất là đối với Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Thủ tướng đồng ý với ý kiến chia sẻ của Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh rằng “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng nhau đi”.

nghệ an
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ký kết thỏa thuận đầu tư với các doanh nghiệp. Ảnh: DT

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tỉnh phải tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ; phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao...; tiết kiệm tài nguyên, đất đai để sử dụng lâu dài; tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực; đảm bảo an ninh trật tự, an tòan xã hội; tiếp tục quan tâm hơn, cụ thể hơn đến chất lượng cuộc sống người dân, nhất là khu vực nông thôn.

“Nghệ An phải đặt ra câu hỏi là thế mạnh so sánh cho mình trong kinh tế thị trường? Do đó, phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, hạ tầng kinh tế xã hội để tăng cường sức mạnh, vận dụng các hình thức đầu tư sáng tạo hơn”, Thủ tướng chỉ đạo thêm.

Doanh nghiệp cần làm gì khi muốn đầu tư vào Nghệ An?

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài ở Việt Nam nói chung, ở Nghệ An nói riêng, đừng để tình trạng “sáng nắng, chiều mưa”, “lúc trồi, lúc sụt”. Tầm nhìn của doanh nghiệp cần phải thể hiện rõ đặt trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Vấn đề thứ hai với doanh nghiệp mà Thủ tướng muốn nhắn nhủ là kinh tế với môi trường. Chúng ta không đánh đổi phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến môi trường lâu dài; đối xử đúng mức đến người lao động, có thể lương chưa cao trong bối cảnh hiện nay, nhưng phải có môi trường sống tốt hơn, bởi bản chất của chúng là kinh doanh là phục vụ con người nên phải lo điều này.

Cuối cùng, Thủ tướng mong rằng, doanh nghiệp nói là làm, tránh “khi ký kết đầu tư thì hăng hái nhưng triển khai lại chậm trễ”.

Để tiếp tục giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh lại thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt bảo vệ quyền tài sản công dân. “Chính phủ tiếp tục tạo môi trường đầu tư tốt hơn, minh bạch hơn, thị trường hơn cho kinh doanh; cán bộ các cấp chính quyền phải “sát dân, sát việc”, đổi mới từ nhận thức đến hành động để cả hệ thống cùng chuyển động tích cực.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục giữ vững kinh tế vĩ mô, giữ được môi trường hòa bình, hữu nghị thân thiện với mọi quốc gia, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta; đặc biệt, để mọi thành phần kinh tế phát triển, tiếp tục có cơ chế, chính sách tốt hơn, thị trường hơn, hội nhập sâu rộng hơn trong một số lĩnh vực mà Việt Nam đang yếu./.

Duy Thái - Châu Nho