Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng hơn 38%

Tại hội nghị thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới diễn ra chiều ngày 16/11, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như: chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm... Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam. Đặc biệt là thương mại song phương của Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng khả quan.

Kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ to lớn với nhiều kết quả thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Thúc đẩy giao thương Việt Nam- Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới. Ảnh: CTV

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 7/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 62,98 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 53,96 tỷ USD (tăng 38,4% so với cùng kỳ 2020); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 9,02 tỷ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ 2020).

Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, đồng thời với vai trò đối tác thương mại lớn của Việt Nam về đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Ông Hoàng Quang Phòng cho hay, xu thế hợp tác đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam phù hợp với quản điểm của lãnh đạo hai nhà nước. Mới đây nhất, cuối tháng 8/2021, trong chuyến thăm Việt Nam, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng khẳng định: “Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế và đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực”.

Đồng thuận với quan điểm của đại diện VCCI, bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho rằng, hiện nay hai nước đang có rất nhiều mối quan tâm chung trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh mối quan tâm về an ninh quốc phòng, ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng quan tâm hơn đến vấn đề thực chất là kinh tế thương mại để khuyến khích thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Chú ý cân bằng cán cân thương mại, lợi ích song phương

Có thể thấy, kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ to lớn với nhiều kết quả thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đặc biệt, mặc dù dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt - Mỹ vượt qua mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước. Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Quan trọng hơn, với nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại từ chính phủ hai nước, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia tích cực trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường và đối tác tiềm năng trong các lĩnh vực mang lại giá trị cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Giá trị nhập khẩu hàng từ Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam lập nhà máy và gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, một trong những điểm cần lưu ý để cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới là vấn đề về gian lận thương mại. Trước đó, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, như tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 8 vụ với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

"Chính vì vậy, để khai thác được những tiềm năng và cơ hội trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Một trong những điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết từ các FTA của Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các quy định có liên quan" - ông Đỗ Thắng Hải phát biểu.

Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Ths. Đoàn Vân Hà - Học viện Ngân hàng, cũng cho rằng, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện nhiệm vụ tiền tiêu phục vụ phát triển quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xây dựng các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến” - Ths. Đoàn Vân Hà bình luận.