Ngày 4/4, trong khuôn khổ Hội chợ Vietnam Expo 2024, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Từ chính sách đến thực thi”. Tọa đàm do báo Việt Nam News và Công ty cổ phần và quảng cáo Hội chợ thương mại (Vinexad) đồng tổ chức.

Thực thi EPR là “Chứng chỉ xanh” cho doanh nghiệp vào các thị trường lớn
Các diễn giả chia sẻ về thực thi EPR tại tọa đàm. Ảnh: Thảo Miên

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trách nhiệm thực thi EPR được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Đồng thời, đây cũng là một cơ hội tốt để có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, bên cạnh nguồn từ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng nơi họ sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ xung quanh các cơ hội với doanh nghiệp, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân nhấn mạnh, EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao.

Ông Lê Anh cho biết, hiện mỗi ngày, Nhựa tái chế Duy Tân thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa (tương đương khoảng 12 triệu chai nhựa) để tái chế, có thể làm ra những chai đựng nước uống được. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng EPR. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi.

Thực thi EPR là “Chứng chỉ xanh” cho doanh nghiệp vào các thị trường lớn
Thực thi EPR là “Chứng chỉ xanh” cho doanh nghiệp vào các thị trường lớn. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Thành Vĩnh - cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, một trong những thách thức trong thực hiện EPR tại Việt Nam là thiếu hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng vật liệu tái chế trong nước như nhựa tái chế chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Theo ông Vĩnh, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng, tối ưu góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam nhựa tái chế đang đắt hơn nhựa nguyên sinh.

Về góc độ kinh tế, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo PAN Group cho biết, doanh nghiệp đang rất quan tâm các thách thức về cơ cấu tính giá thành sản phẩm sau này trong hoạt động sản xuất có liên quan khi thực thi EPR.

Ông Nguyễn Trung Anh cho biết, chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với doanh nghiệp.

Đưa ra khuyến nghị chính sách trong thực hiện EPR, ông Vĩnh cho rằng, Nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn, với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

Theo ông, chính sách của Việt Nam đang có 2 lựa chọn cho doanh nghiệp là tự tái chế và doanh nghiệp đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần khuyến khích làm sao để thúc đẩy doanh nghiệp tự tái chế mới là điều quan trọng.

Cũng theo vị chuyên gia của UNDP, công tác quản lý chất thải cũng cần được nâng cao. Trong đó, cần thúc đẩy các thiết kế hạ tầng thu gom chất thải, tái chế, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế,. Đồng thời, nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế...

“Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Na Uy đánh giá rất cao tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cũng như là chuyển đổi xanh. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một trong những biện pháp để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này” - bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ.