![]() |
Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh |
Xuất khẩu nhiều gam màu sáng
Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất, nhập khẩu quý I/2025 vẫn đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động. Xuất, nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 3 tháng đầu năm 2025 với tổng kim ngạch ước đạt khoảng 202,52 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%; nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,4% tỷ trọng xuất khẩuTheo Cục Thống kê, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2025, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 90,92 tỷ USD, chiếm 88,4%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu của quý I/2025, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 93,51 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. |
Riêng xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong 2 tháng đầu năm.
Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I vẫn giữ được gam màu sáng. Đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 15%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9% của khu vực đầu tư nước ngoài. Thương mại dịch vụ quốc tế quý I/2025 có nét khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước với tốc độ tăng xuất khẩu dịch vụ đạt 21,7%, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng nhập khẩu dịch vụ...
Các chuyên gia cũng nhận định, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công thương xây dựng, tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).
Dù vậy, bức tranh xuất khẩu cũng được dự báo sẽ không còn tươi sáng trong quý II khi xuất khẩu phải đối diện với khó khăn nếu Mỹ áp thuế đối ứng tới với hàng hóa của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê – Bộ Tài chính) khẳng định, việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu. Khi Mỹ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng như máy vi tính, điện tử và linh kiện, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… có thể suy giảm do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm. Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng hàng hóa và từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Đa dạng thị trường, “trứng không bỏ chung một giỏ”
Trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới phức tạp, trước quan ngại về kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian này chúng ta chưa vội bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, mà vẫn đang tìm các giải pháp để vượt qua những thách thức trước mắt và tìm kiếm cơ hội mới.
Về thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt là đa dạng hóa thị trường "trứng không bao giờ để chung một giỏ". Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết thêm, việc phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Bộ Công thương sẽ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.
Hiện Bộ Công thương đang thúc đẩy đàm phán với các nước, thời gian tới Bộ thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại với các nước Mỹ Latinh, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, Pakistan, Ai Cập… Trước mắt, cơ quan này đang thúc đẩy đàm phán với thị trường Brazil.
Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, việc chủ động khai phá các thị trường mới nổi, thị trường ngách hoặc các thị trường thay thế là yêu cầu cấp thiết. Đây là hướng đi không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường, mà còn giúp chúng ta tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm.
Không chỉ Bộ Công thương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có biện pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ lúc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu khối lượng lớn nông sản sang Mỹ, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cũng cho rằng, thời gian tới các doanh nghiệp cần sớm đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ. Về phía Chính phủ, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ./.