Tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán, thuế TNDN một số đối tượng Theo nội dung Nghị quyết, tổng số thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tổng số chi cân đối NSNN là 1.006.700 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách sẽ chủ yếu dùng đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Chính phủ được yêu cầu sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Luật NSNN (sửa đổi), Luật đầu tư công; chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường... Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thu vào NSNN cổ tức của Nhà nước tại DN có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Nghị quyết cũng ghi rõ sẽ thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2014; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014 sẽ tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân) và thuế TNDN đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 29 của Quốc hội. Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo trước Quốc hội ngày 12/11. Ảnh: TTXVN Tiết kiệm phải là thông điệp của cả hệ thống chính trị Trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Phùng Quốc Hiển (Yên Bái), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, để khắc phục những khó khăn về ngân sách năm tới, cần phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, phải đưa ra thông điệp “thắt lưng buộc bụng”. Trong đó cần chú trọng cơ cấu lại chi, cụ thể như chi đầu tư công phải xác định chỉ đầu tư vào những lĩnh vực nào mà các thành phần kinh tế khác không tham gia, chi tiêu thường xuyên phải gắn với chuyện tinh giảm biên chế, giảm bộ máy để gắn với cơ chế khoán chi, chi theo hiệu quả. ĐB Phùng Quốc Hiển cho biết, trong Nghị quyết lần này Quốc hội đã đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ là phải triệt để tiết kiệm như: giảm tối đa chi phí cho hội nghị, cho hội thảo, công tác nước ngoài, mua xe công… Thậm chí ngay cả lộ trình tăng lương năm 2014 cũng không đặt ra. “Đây là một biện pháp thắt lưng buộc bụng trong bộ phận những người làm công ăn lương nhà nước, để chia sẻ khó khăn với ngân sách”, ĐB Phùng Quốc Hiển cho biết. Đánh giá về dự toán thu năm 2014 là 782.000 tỷ đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, để đạt mục tiêu cần có biện pháp giúp DN phục hồi, vực dậy sản xuất kinh doanh bởi thu nội địa chiếm 70% thu ngân sách, mà khoản thu này phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh. Theo ĐB, muốn vực dậy DN phải tăng được tổng vốn đầu tư xã hội. Theo đó cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, về thủ tục hành chính, về chính sách tín dụng. Có như vậy, mới có thể chống thất thu và nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2014. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính mà là trách nhiệm của toàn bộ nền kinh tế, của cả hệ thống chính trị. Chúng ta vừa phải chống thất thu nhưng cũng cố gắng chi không vượt dự toán. Muốn hạn chế chi vượt dự toán thì phải tăng cường kỷ luật ngân sách, phải kiểm soát được lạm phát, vì nếu lạm phát thì lập tức dự toán thay đổi. Trên cơ sở đó, toàn bộ hệ thống chính trị cần phát đi thông điệp rằng đây là thời điểm khó khăn của ngân sách, phải hết sức tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. “Đối với chúng ta hiện nay là phải tính từng đồng, từng li trong vấn đề tiết kiệm ngân sách. Chúng ta từng thành công ở Nghị quyết 11 trong việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nếu chúng ta kêu gọi được tiết kiệm thêm nữa thì có thể hạn chế bội chi ngân sách ở mức tối đa”, ĐB Trần Hoàng Ngân khẳng định.

Hoàng Yến