PV: Định hướng phát triển của Hải quan Việt Nam đã được đặt ra rất rõ trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành những mục tiêu cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Việt Cường: Chiến lược đã đặt ra 7 mục tiêu chủ yếu, cụ thể sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sự gắn kết thống nhất.
Ông Hoàng Việt Cường |
Thứ hai, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO (Tổ chức Hải quan Thế giới).
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Thứ tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam... nhằm tập trung hóa tối đa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thứ năm, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Thứ bảy, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
PV: Để cụ thể hóa mục tiêu đặt ra trong chiến lược, ngành Hải quan xác định tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Để làm được điều này, ngành Hải quan sẽ làm gì, thưa ông?
Ông Hoàng Việt Cường: Mục tiêu tổng quát đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, nội dung tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh là những nội dung ngành Hải quan xác định là nội dung then chốt, nền tảng và quan trọng.
Trên cơ sở mục tiêu cụ thể, các giải pháp mà ngành Hải quan xác định thực hiện để tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh là:
Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để: thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh, hải quan xanh. Đồng thời, áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh; áp dụng cơ chế quản lý hải quan phù hợp với từng đối tượng quản lý, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước trong hoạt động kiểm soát hải quan;...
Phương thức quản lý hải quan đã có bước chuyển mình quan trọng. |
Rà soát, kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của WCO, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh.
PV: Hải quan là một ngành khá đặc thù bởi hoạt động có liên quan nhiều tới các bộ, ngành khác. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai chiến lược này của ngành Hải quan?
Ông Hoàng Việt Cường: Để triển khai hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đã đặt ra, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành Hải quan, vai trò của các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Ngành Hải quan luôn xác định chiến lược phát triển hải quan chỉ có thể đạt được kết quả cao nhất khi nhận được sự giúp đỡ, hợp tác và đóng góp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện chiến lược.
Đối với các bộ, ngành đó là sự quyết liệt và phối hợp hiệu quả với ngành Hải quan trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành; triển khai hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN...
Đối với chính quyền địa phương đó là vai trò trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch các cửa khẩu, khu kinh tế; xây dựng phát triển hạ tầng kho, bãi, cảng phục vụ cho hoạt động xuất nhập hàng hóa; phát triển hạ tầng giao thông, logistis đồng bộ, thuận tiện; xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số của địa phương; cơ chế phối hợp với ngành Hải quan trong quản lý doanh nghiệp, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên phạm vị địa bàn hành chính của địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!