toàn cảnh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế lần thứ tư: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”, do Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và Viện Kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Biến chiến lược phát triển bền vững thành hiện thực

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, phát triển bền vững là định hướng chiến lược của các quốc gia trên thế giới trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ, cũng như trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thực hiện 3 mục tiêu chiến lược của phát triển bền vững mặc dù đã trở thành nhu cầu khách quan, tất yếu của xã hội nhưng quá trình thực hiện chiến lược đó không phải là dễ dàng; quan trọng là cần sự đóng góp chung của tất cả các nước trên thế giới để “biến chiến lược phát triển bền vững thành hiện thực trên phạm vi toàn cầu”.

Thế giới đang đứng trước nguy cơ đe dọa chưa từng có trong lịch sử làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, thương mại và mọi mặt đời sống xã hội cùng với tương quan lực lượng đang chuyển dần sang cục diện mới. Để thích ứng với trật tự mới và tận dụng cơ hội từ tiến trình này, việc thiết lập hệ thống kinh tế "mềm dẻo" bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và tăng cường hệ thống thương mại đa phương là điều cần thiết.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu của toàn cầu hóa. Các biện pháp phong tỏa hoạt động kinh tế hay những chính sách ứng phó khẩn cấp khác để ngăn chặn dịch đã khiến hoạt động thương mại bất ngờ bị gián đoạn và một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong ngắn hạn.

Mặc dù có không ít những nghi ngại về sự bền vững của toàn cầu hóa, song nhiều chuyên gia phân tích vẫn đặt niềm tin rằng xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế là tiến trình khó có thể đảo ngược, nhất là khi các nước đang hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, “hồi hương” các lĩnh vực thiết yếu, xây dựng khả năng chống đỡ những “cơn gió ngược” tiềm tàng được cho là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của các quốc gia trong thời gian tới.

Còn theo PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với các xu thế mới diễn biến khó lường, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Tuy nhiên, sự thay đổi về công nghệ, sự dịch chuyển cơ cấu các chuỗi cung ứng, thay đổi nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do toàn cầu hóa, do biến đổi khí hậu, môi trường tạo nhiều thách thức rủi ro khó lường, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải điều chỉnh thích nghi và có giải pháp đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển con người, an ninh con người, tự do con người, vì con người. Đây là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề ra và hướng tới.

thầy
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Thay đổi nhận thức để thích ứng

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng, là nền kinh tế có độ mở cao và hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới. Vì vậy, thích ứng với sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới, chủ động tham gia quá trình định hình những “luật chơi” mới là một yêu cầu không thể không tính tới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. Việt Nam cần có sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trong thế kỉ XXI. Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp với nhiều biến thể mới, làm hàng triệu người bị nhiễm bệnh, tàn phá nền kinh tế thế giới, nhưng cũng khiến cho nhiều sự thay đổi đáng kinh ngạc, vượt quá nhiều dự báo trước đó.

“Cuộc chiến chống đại dịch tuy vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng hồi kết rồi sẽ đến và những thay đổi kinh tế thế giới thời hậu Covid-19 cũng đang hình thành, khiến giới nghiên cứu và các quốc gia đặc biệt quan tâm” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Sự giãn cách xã hội, đứt gẫy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, phá sản, kinh tế phát triển chậm kéo theo nhiều vấn đề an sinh xã hội phải giải quyết. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thực hiện mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

“Cho đến nay, nhận thức đã thay đổi rất nhiều, từ việc chúng ta chống dịch thì đến bây giờ là cần phải sống chung với dịch. Từ đối phó với khủng hoảng, thì chúng ta nhìn nhận lại nền kinh tế của mỗi quốc gia để biến nguy thành cơ. Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững không mới nhưng luôn đặt ra mục tiêu đến mỗi quốc gia trong bối cảnh mới, cần phải giải quyết để phát triển kinh doanh bền vững cả cấp độ doanh nghiệp, quốc gia cũng như quốc tế” - PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nhận định.

Với chủ đề “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”, đây là dịp để các chuyên gia thấu hiểu, trao đổi tri thức, kinh nghiệm của cá nhân, của mỗi quốc gia trong việc ứng phó với khủng hoảng do Covid-19 hay ứng phó với khủng hoảng trong tương lai./.

Đức Việt