Tham dự lễ công bố khánh thành hệ thống trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử, tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh; đại diện nhà thầu đã trúng thầu hợp đồng cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử.

Tại điểm cầu 6 cục thuế là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định có lãnh đạo cục thuế và các phòng chức năng; cán bộ, công chức trong Tổ giúp việc triển khai hóa đơn điện tử.

Bài 2: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 Bài 1: Lần đầu tiên hóa đơn điện tử được quy định trong luật

Triển khai hóa đơn điện tử là yêu cầu khách quan

Phát biểu tại buổi lễ, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã quyết liệt triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy nhanh thực hiện điện tử hóa công tác khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế.

Đến nay, số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử đạt 99,72%; nộp thuế điện tử đạt 98,71%; hoàn thuế điện tử đạt 98,64%. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, phải hạn chế tiếp xúc, người nộp thuế không phải trực tiếp đến cơ quan thuế, mọi thủ tục đều có thể thực hiện online qua mạng internet.

Đối với hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ, trước năm 2011, doanh nghiệp phải đến cơ quan thuế để mua hóa đơn; từ năm 2011, doanh nghiệp được tự in hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đủ điều kiện.

Tổng cục Thuế thành lập trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (thứ 6 từ trái qua), đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo Tổng cục Thuế cắt băng khánh thành Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế. Ảnh: Thanh Hải.

Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn (xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế GTGT hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước…).

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, từ 1/7/2022, toàn bộ DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ một số đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh không giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử...).

"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội, nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế” - ông Tuấn nói.

Thường trực 24/24 giờ để xử lý yêu cầu phát sinh

Trên cơ sở kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 địa phương này.

Tại buổi lễ khánh thành sẽ có 2 mốc quan trọng trong kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử gồm: Lễ khai trương hệ thống Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử; lễ bàn giao phần mềm ứng dụng hóa đơn điện tử. Trong đó, việc đưa vào vận hành hệ thống Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế đến 6 cục thuế địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tổng cục Thuế thành lập trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (giữa), đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Tổng cục Thuế thăm Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế. Ảnh: NM.

Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, trong bối cảnh áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC với nhiều nội dung mới nhưng được triển khai trong thời gian ngắn, chắc chắn sẽ có vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho cả người nộp thuế và cán bộ, công chức cơ quan thuế.

Do đó, việc ngành Thuế thiết lập các Trung tâm điều hành trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu cơ bản.

Thứ nhất, hệ thống Trung tâm điều hành là bộ phận thường trực giúp Ban chỉ đạo, Tổ thường trực trong công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế đến 6 cục thuế (và cả giai đoạn tiếp sau khi triển khai tại 57 tỉnh, thành phố).

Như vậy, hệ thống 7 trung tâm phải đảm bảo thông suốt, trực tuyến, kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện, điều phối các hoạt động, đề xuất các biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo theo đúng tiến độ kế hoạch đã đặt ra.

Tổng cục Thuế thành lập trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử
Nhà thầu phần mềm cung cấp hóa đơn điện tử bàn giao cho Tổng cục Thuế. Ảnh: Thanh Hải.

Thứ hai, Ban lãnh đạo Trung tâm từ Tổng cục Thuế đến các cục thuế cần phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên trong trung tâm, đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24. Tổ chức tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ, xử lý các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hóa đơn điện tử của người nộp thuế. Theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống hóa đơn điện tử đảm bảo liên tục, ổn định.

Thứ ba, trung tâm điều hành có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, Tổ thường trực tại Tổng cục Thuế và cục thuế về tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch; các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện (đặc biệt, giai đoạn đầu phải báo cáo hàng ngày - bắt đầu từ 25/10; giai đoạn sau khi đã vận hành ổn định thì có thể báo cáo theo tuần hoặc 15 ngày/lần).

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù giai đoạn 1 mới thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố, nhưng với số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và lượng hóa đơn chiếm đến 70% hóa đơn của cả nước, việc thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử thành công ở 6 địa phương đóng vai trò quyết định đến việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước.

Do đó, để triển khai hóa đơn điện tử thành công, ông Cao Anh Tuấn đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thường trực tại Tổng cục Thuế và lãnh đạo 6 cục thuế địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo thành công và theo đúng tiến độ thời gian đã đặt ra./.