10 tháng giải ngân chưa đến 42% kế hoạch

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 10 tháng đầu năm cho thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn giảm 46,5% (so với cùng kỳ năm 2020) và mới hoàn thành 41,6% kế hoạch, ước thực hiện được 14.887 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện 14.404 tỷ đồng, chiếm 96,8% và giảm 46,9%; vốn sửa chữa lớn ước thực hiện 482 tỷ đồng, chiếm 3,2% và giảm 30,9%.

Riêng trong tháng 10/2021, nhiều dự án đã khởi động lại, nhưng gặp tình trạng thiếu nhân lực thi công, do người lao động trở về các tỉnh tránh dịch. Khối lượng thực hiện cho những dự án mới khởi động lại chỉ đạt từ 30% đến 40% so với lúc không có dịch. Trong đó, khối lượng ước thực hiện đạt 1.125 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,24 lần nhưng so với tháng cùng kỳ giảm 81,3%; tập trung ở một số dự án lớn như dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn, cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), cầu Bưng (tiếp giáp quận Tân Phú, Bình Tân)…

TP. Hồ Chí Minh: Chủ động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Cầu Thủ Thiêm 2 nối TP. Thủ Đức với quận 1 ngày hợp long (tháng 9/2021).

Trong khi đó, đối với một số công trình trọng điểm, dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có khó khăn về công nhân thi công, chuyên gia nước ngoài và vật tư thiết bị không thể nhập đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Hiện tại, khối lượng thực hiện toàn dự án ước đạt trên 88% và theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Còn dự án tuyến đường sắt Metro số 2, công tác giải tỏa cơ bản đã xong, các quận bị giải tỏa đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng và dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022…

Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi toàn địa phương đã gần như “dậm chân tại chỗ” trong gần 5 tháng để thực hiện phòng chống dịch.

Cụ thể, theo lý giải của UBND TP. Hồ Chí Minh, những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với vốn đầu tư trong nước khi giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công còn chậm do tác động của dịch Covid-19... Trong khi đó, đối với dự án sử dụng vốn ODA, do tác động của dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ.

Điều chỉnh kế hoạch, ưu tiên dự án giải ngân tốt

Trước thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư đạt khá thấp so với kế hoạch năm, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới đây nhất, UBND thành phố đã có tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Theo kế hoạch, đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TP. Hồ Chí Minh năm 2021 là hơn 31.976 tỷ đồng. Nhằm bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh, góp phần tích cực vào quá trình mở cửa lại và phục hồi kinh tế thành phố, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách thành phố từ 31.976 tỷ đồng thành gần 29.271 tỷ đồng.

Chia sẻ về công tác giải ngân vốn đầu tư của TP.Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho biết, đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, một đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút khoảng mười đồng vốn đầu tư xã hội. Cho nên rất cần giải quyết bài toán đầu tư công mới có thể thu hút vốn đầu tư xã hội.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, do tình hình trong năm 2021 có những diễn biến mà không ai có thể lường trước, nên cần cho phép chuyển tiếp thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 kéo dài đến hết năm 2022, thay vì mốc 31/1/2022.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, việc đầu tư công hạn chế sẽ gây khó khăn cho đầu tư xã hội. Do đó, đầu tư công phải có vai trò dẫn dắt đầu tư xã hội. Nhưng không thể nới lỏng đầu tư công mà nên chọn các mũi đầu tư đột phá, là thuận lợi để phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, đầu tư công không nên làm ào ạt, phong trào mà phải có luận chứng, xác định trách nhiệm, có lộ trình, mục tiêu để đầu tư công hiệu quả.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho hay, sẽ điều chỉnh giảm vốn với hơn 6.444 tỷ đồng đã giao đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhưng tăng vốn với quy mô 3.794 tỷ đồng cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bổ sung vốn để quyết toán, dự án đã triển khai đến giai đoạn cuối cần bố trí đủ phần vốn còn lại để hoàn tất, sớm đưa dự án vào sử dụng, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội…

Nên chọn các mũi đầu tư đột phá

“Việc đầu tư công hạn chế sẽ gây khó khăn cho đầu tư xã hội. Do đó, đầu tư công phải có vai trò dẫn dắt đầu tư xã hội. Nhưng không thể nới lỏng đầu tư công mà nên chọn các mũi đầu tư đột phá, là thuận lợi để phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, đầu tư công không nên làm ào ạt, phong trào phải có luận chứng, xác định trách nhiệm, có lộ trình, mục tiêu để đầu tư công hiệu quả”.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh