Liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí ESG, trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng. Hoạt động này đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các DN trong chuỗi cung ứng và mảng hậu cần.

Diễn giả thông tin về xu hướng thực hiện các tiêu chí ESG trong phát triển bền vững. Ảnh Việt Dũng
Diễn giả thông tin về xu hướng thực hiện các tiêu chí ESG trong phát triển bền vững. Ảnh Việt Dũng

Do các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ràng buộc phát triển nghiêm ngặt trong khuôn khổ ESG, nên để có thể nhận được nguồn vốn này cũng như các dự án có thể đi vào triển khai, ngoài những quy định tại nước sở tại, ESG tại DN cũng phải được tuân thủ rõ ràng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết nhiều DN Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.

Các DN có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống cũng từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là tập trung vào sản suất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi các tổ chức uy tín trong nước.

Quang cảnh hội thảo về tận dụng xu hướng tất yếu của phát triển bền vững. Ảnh Việt Dũng
Quang cảnh hội thảo về tận dụng xu hướng tất yếu của phát triển bền vững. Ảnh Việt Dũng

Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì và sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khoẻ.

Chia sẻ tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày và phân tích rõ những xu thế ESG toàn cầu; giải đáp những thắc mắc của DN về nền kinh tế xanh như giúp phát triển bền vững và hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh những ưu thế mà Việt Nam hiện có để có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng...

Các diễn giả tại hội thảo cho rằng, việc phát triển ESG sẽ là chìa khóa trọng tâm trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao tính bền vững trong chuỗi cung ứng, không những giảm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ tăng trưởng, tranh thủ được cơ hội, cũng như giảm thiểu các thách thức từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.