Trái cây

Một điểm bán hàng trái cây ở chợ Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Diệu Hoa

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 454 chợ. Trong đó tại 160 chợ dân sinh của các quận có hoạt động kinh doanh trái cây đều là bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Hầu hết cửa hàng này được bố trí ở phía ngoài cổng chợ hoặc mặt ngoài chợ tiếp giáp với đường đi, nhằm tạo thuận lợi cho việc mua trái cây của người tiêu dùng. Quy mô của các cửa hàng kinh doanh trái cây đều nhỏ lẻ, thiết bị, dụng cụ bán thô sơ.

Bên cạnh nguồn cung cấp từ các chợ đầu mối, trái cây tiêu thụ tại các chợ dân sinh còn do chủ hàng kinh doanh quầy hàng thu mua của người trực tiếp trồng trọt, thu hoạch, nên gây khó khăn cho công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây tiêu thụ tại chợ. Người bán trái cây chưa có đầy đủ kiến thức bảo đảm ATTP trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây theo đúng quy định.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, khi kiểm tra ở các điểm bán hàng trái cây ở chợ dân sinh, chợ đầu mối cho thấy, chủ hàng bày bán trái cây trên những thùng xốp, giấy, gỗ sơ sài. Điều này làm giảm giá trị mặt hàng trái cây, tăng nguy cơ lây nhiễm, gây mất vệ sinh ATTP. Không những vậy, các loại hoa quả này đều không có tem nhận diện mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Để nâng cao chất lượng kinh doanh trái cây ở chợ dân sinh cũng như quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận đi vào nền nếp, theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở này đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận kiến thức ATTP và chủ động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở chuyên kinh doanh trái cây vi phạm về chất lượng.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các cửa hàng kinh doanh trái cây ở chợ phải được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, không ảnh hưởng đến ATTP. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của cửa hàng phải được lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ.../.

Theo Sở Công thương Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2018, trên địa bàn 12 quận nội thành có tổng số 941 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc; 715 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hoặc cam kết bảo đảm ATTP…

Tin, ảnh: Diệu Hoa