vũ trọng kim

ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng hiện nay tần suất đặc xá diễn ra hơi dày.

Trước khi ĐBQH thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo luật này.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo luật.

Nên quy định cụ thể thời điểm đặc xá

Liên quan đến quy định tại dự thảo luật về thời điểm đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo luật đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

“Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo luật có thể sẽ không bao quát hết. Vì vậy, đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, cần xác định rõ thời điểm đặc xá, bởi vì nước ta có nhiều ngày lễ trọng đại, có ý nghĩa, do đó nên chọn vào 3 thời điểm cụ thể gắn với 3 sự kiện lớn của đất nước, đó là ngày Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán và ngày 30/4.

“Nên giao cho Chủ tịch nước quyết định thời điểm nào khi tiến hành đặc xá, trên cơ sở có sự tham mưu có tổ tư vấn và đề nghị của Chính phủ. Như vậy, chúng ta có thể tránh được những thời điểm nước ta có những sự kiện trọng đại khác như dịp Đại hội Đảng, họp Quốc hội…, tránh việc phải làm quá gấp gáp như những năm trước đây, dẫn đến nảy sinh lỗi khi đặc xá”, ĐB Vũ Trọng Kim phân tích thêm.

Đối tượng phải thực sự xứng đáng

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng, ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo luật, bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội nào, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể.

Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn). Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ.

ĐB Mùa A Vàng (Điện Biên) cho rằng, đối tượng được đặc xá phải đặc biệt và thực sự xứng đáng, do đó, chỉ nên xem xét với đối tượng chấp hành án ở mức tốt trở lên, thay bằng mức khá.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung quy định các cơ quan y tế địa phương cần có sự hỗ trợ, để đề xuất miễn, giảm đối với các trường hợp được đặc xá tha tù cho đối tượng bệnh hiểm nghèo, ốm nặng không còn nguy hiểm cho xã hội.

Theo ĐB Vũ Trọng Kim, điều kiện đặc xá “cần kín kẽ, tính toán cẩn thận”. Theo ĐB: "Cần rút kinh nghiệm 10 năm qua tần suất đặc xá hơi dày, nên tổ chức đặc xá trong khoảng thời gian 1,5 năm/1 lần. Bởi vì, nếu không quy định cụ thể thì dễ xảy ra du di, mất ý nghĩa của việc đặc xá. Hơn nữa, đặc xá với tần suất quá dày sẽ không phù hợp, vì hiện nay còn có quy định về đại xá, tha tù trước hạn".

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 Chương, 40 Điều, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này./.

Không khống chế số người mỗi đợt đặc xá

Theo báo cáo của UBTVQH, trước đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ số người được đặc xá mỗi đợt (không quá 5.000 hoặc 7.000 người), trên cơ sở đó Chủ tịch nước quy định các điều kiện cụ thể để đặc xá.

Lý giải về vấn đề này, theo UBTVQH, nếu quy định hạn chế mức tối đa số lượng cho từng đợt đặc xá (không quá 5.000 hoặc 7.000 người) thì sẽ thiếu linh hoạt và không sát với tình hình thực tế trong từng thời điểm. Thực tiễn 7 lần đặc xá thời gian qua cũng cho thấy, mỗi lần đặc xá có số lượng rất khác nhau (năm 2010 Chủ tịch nước đặc xá cho 17.520 phạm nhân; năm 2016, Chủ tịch nước đặc xá cho 4.384 phạm nhân). Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo luật, không quy định khống chế số người được đặc xá trong từng đợt đặc xá.

Minh Anh