trao bang

Trao bằng tốt nghiệp cho 12 chuyên gia đầu tiên về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn

Bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Dự án IPP2 cho biết, các học viên đã trải qua nhiều chương trình trong năm 2015 như đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khóa đào tạo chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo kéo dài 8 tháng và chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo cho các nhóm dự án khởi nghiệp kéo dài 6 tháng.

Sau 2 tháng học tập trung và 6 tháng thực hành dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong và ngoài nước, các học viên này được trang bị các kiến thức lý luận và thực tiễn về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở trình độ quốc tế.

Với sự trang bị này, họ đã có đủ năng lực để huấn luyện và tư vấn cho các DN khởi nghiệp hoặc tham mưu xây dựng chính sách của Chính phủ về đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Tức là họ sẽ trở thành một phần thiết yếu trong đội ngũ chuyên gia tư vấn về đổi mới sáng tạo phục vụ cho các công ty, các trường đại học, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DN và các cơ quan hoạch định chính sách của chính phủ.

“Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, IPP2 sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và cơ sở đào tạo để các chương trình đào tạo này có thể được hoàn thiện đưa vào giảng dạy trong các trường đại học. Mục đích là nhằm từng bước thay đổi tư duy, văn hóa của cộng đồng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, bà Hương nói.

Phát biểu tại lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hy vọng, các chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo đầu tiên này sẽ thực sự trở thành các hạt nhân nòng cốt về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, liên kết thành mạng lưới và nhân rộng trong quá trình phổ biến các tri thức, kỹ năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng.

Được biết, IPP là một chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan, có cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học và Công nghệ - đại diện phía Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan - đại diện phía Chính phủ Phần Lan. Chương trình chính thức được triển khai tại Việt Nam năm 2009 và hiện đang trong giai đoạn 2 (IPP2), bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2018 với ngân sách 11 triệu euro.

Ngoài việc hướng cộng đồng thay đổi dần tư duy thụ động để hướng tới tư duy đổi mới, sáng tạo, IPP2 còn hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiềm năng. Cụ thể là trong năm 2015, IPP2 đã nhận hỗ trợ 22 dự án tiềm năng nhất trong 250 dự án xin được hỗ trợ, trong đó, có 4 dự án về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo và 18 dự án DN đổi mới sáng tạo có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu, thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin (6 dự án), y dược, y sinh (5 dự án), nông nghiệp, thủy sản (3 dự án), cơ điện tử, tự động hóa (2 dự án), giáo dục và lĩnh vực khác (2 dự án).

Với sự trợ giúp của IPP2, tính đến hết tháng 12/2015, các dự án đã tạo hơn 480 việc làm; tổng doanh thu trong nước đạt hơn 432 nghìn USD (11 dự án DN và 3 dự án hệ thống), ngoài nước (Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc) đạt hơn 215 nghìn USD (5 dự án DN); 3 dự án đã thành công trong gọi vốn bổ sung với hơn 150 nghìn USD từ các nhà đầu tư khác.

Theo bà Hương, trong năm 2016, IPP2 sẽ tiếp tục đợt tài trợ mới đối với các dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoạt động này cũng được Thứ trưởng Khánh đánh giá cao, đồng thời kỳ vọng các DN được IPP2 tài trợ sẽ phát triển thành công, tạo việc làm, mang lại giá trị gia tăng cao cho xã hội và nền kinh tế./.

Đỗ Doãn