Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tổ chức ngày 28/12, tại Hà Nội.

Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ định hướng đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) thực sự trở thành những đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Cần chính sách đặc thù phát triển ngành Khoa học và Công nghệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Nam.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN và ĐMST.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành chính sách đặc thù về KHCN và ĐMST cho TP. Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội; triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của 6 vùng chiến lược.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2023, trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, Bộ KH&CN đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; trình Ban Bí thư dự thảo chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo…

Bộ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Quốc hội xem xét, có ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; rà soát, lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 luật chuyên ngành, là: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Năng lượng nguyên tử; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 32 đề án/văn bản. Bộ trưởng các bộ đã ban hành 49 thông tư; lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã ban hành 384 văn bản về KHCN và ĐMST…

Khoa học và công nghệ là giải pháp thực hiện mục tiêu đi tắt, đón đầu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, KHCN luôn có ý nghĩa với từng người dân, ở từng lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp tới quân sự, viễn thông… Năm 2023, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được thế giới vinh danh, đem lại tự hào cho đất nước.

Cần chính sách đặc thù phát triển ngành Khoa học và Công nghệ
Toàn cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định, trong một thế giới phát triển nhanh như hiện nay, cần có trách nhiệm không làm giãn khoảng cách về KHCN của Việt Nam với thế giới; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của từng người dân.

Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Phó Thủ tướng cho rằng, KH&CN chính là giải pháp thực hiện được mục tiêu này trên tinh thần đi tắt, đón đầu.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: “KH&CN là ngành khó vì không phải là lợi thế của Việt Nam. Chúng ta chưa có đủ nguồn lực, chưa có cơ chế đủ mạnh để phát triển, thậm chí cơ chế đang là rào cản cho sự phát triển của KH&CN”.

Theo Phó Thủ tướng, để phát KH&CN thời gian tới, đó là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang cho phát triển KH&CN. Bên cạnh đó, ngành KH&CN cần có chính sách đặc thù để phát triển lĩnh vực đặc biệt này về các nội dung như: Định giá tài sản hình thành sau khi triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách cho người làm khoa học, cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính…

Ngoài ra, cần thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu và ứng dụng KHCN theo hướng khuyến khích, tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, có chính sách phân bổ đủ chi phí cho nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan; tăng cường kết nối để học tập kinh nghiệm quốc tế; từ đó khơi dậy tinh thần đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức…