Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

PV: Thưa ông, ngành Thuế đã và đang triển khai mạnh mẽ áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Ông đánh giá như thế nào về lợi ích của việc này đối với doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan thuế?

TS. Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng, ý nghĩa và lợi ích lớn nhất của HĐĐT chính là tiết giảm thời gian, chi phí từ chi phí giấy mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng, chi phí lưu trữ hóa đơn… cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các giao dịch điện tử trở nên thịnh hành… thì việc triển khai HĐĐT đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho DN mà cả đối với cơ quan thuế.

TS. Tô Hoài Nam
TS. Tô Hoài Nam

Từ khi sử dụng HĐĐT, DN không phụ thuộc vào việc nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống trước đây, bởi chỉ cần có internet thì trong vài thao tác nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào. Cũng chính điều đó, DN cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát và tăng cường khả năng bảo mật, giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn.

Sử dụng HĐĐT, các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử nên chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng HĐĐT một cách nhanh chóng và thuận tiện, không phải đăng ký mẫu hóa đơn, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế…

Bên cạnh đó, HĐĐT giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, hóa đơn khống nhằm mục đích gian lận thuế, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng. Thông qua đó còn tạo ra hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh tế.

Chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử với nhiều lợi ích thiết thực là xu thế tất yếu và cũng là yêu cầu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. - TS. Tô Hoài Nam
Ở khía cạnh cơ quan quản lý, việc triển khai HĐĐT của DN cũng giúp cơ quan thuế thuận tiện xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, tinh giản quy trình đối chiếu, ngăn chặn việc sử dụng trái phép hóa đơn của các DN bỏ trốn. Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT còn giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hóa đơn, phục vụ tốt cho công tác thanh, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro. Ngoài ra, ở phương diện khách hàng, HĐĐT giúp khách hàng có thể yên tâm về đơn vị bán, tránh rủi ro nhận phải hóa đơn của doanh nghiệp “ma”.

PV: Ngày 21/9, Tổng cục Thuế đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chính thức triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn thu ngân sách nhà nước khó khăn, kế hoạch triển khai như trên sẽ có tác động như thế nào, thưa ông?

TS. Tô Hoài Nam: Thực tế cho thấy, trong hơn 3 năm qua Bộ Tài chính đã có rất nhiều giải pháp hỗ trợ DN thực hiện HĐĐT như hỗ trợ thay đổi sử dụng hóa đơn in từ hệ thống máy tính chuyển sang sử dụng HĐĐT của DN/HĐĐT có mã của cơ quan thuế… Đồng thời, nỗ lực nhiều giải pháp để giúp DN thực hiện HĐĐT với quy trình triển khai đơn giản và thuận tiện nhất mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn bảo mật.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện cách ly, giãn cách, HĐĐT được sử dụng rộng rãi sẽ giúp thông tin về hóa đơn của DN không vì bất cứ lý do gì mà gián đoạn, ngược lại vẫn được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục từ thông tin về doanh thu đến chi phí hàng ngày của DN, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngoài ra, việc áp dụng sớm tại các địa phương kinh tế phát triển, tập trung hoạt động xuất nhập khẩu nhiều như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… sẽ giúp việc hoàn thuế cho DN được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đồng thời qua đó cũng tiết kiệm thời gian, chi phí cho cơ quan quản lý thuế và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

PV: Đến nay, nhiều DN vẫn chưa thật sự am hiểu về những lợi ích, tác dụng của việc sử dụng HĐĐT. Nhất là DN nhỏ và vừa thường chậm trong việc tiếp cận công nghệ, ngại thay đổi nên dù biết ưu điểm của HĐĐT song vẫn chần chừ, chưa thực hiện. Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng là một hạn chế. Về vấn đề này, theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục?

TS. Tô Hoài Nam: Đúng là có DN nhỏ và vừa chia sẻ, hiện đối với nguồn tài chính hạn hẹp DN ngại áp dụng HĐĐT do chi phí đầu tư ban đầu vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn, do phải đầu tư hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành HĐĐT. Bên cạnh đó, các DN thường gặp khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu biết về tính pháp lý và chấp nhận lấy HĐĐT thay hóa đơn giấy. Tuy nhiên tôi cho rằng, vấn đề này đến nay hoàn toàn không còn đáng lo ngại bởi Bộ Tài chính đã có một lộ trình để các DN có thể chuẩn bị một cách đầy đủ và chủ động hơn và việc áp dụng tại 6 tỉnh, thành nêu trên là hợp lý, hiệu quả.

Đặc biệt, theo tôi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả hơn nữa về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành HĐĐT để thay đổi nhận thức của DN và người dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ và khuyến khích DN tăng cường trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, đầu tư máy móc thiết bị. Song song với đó, khuyến khích công ty tư vấn cạnh tranh để đưa ra giải pháp tốt nhất với mức chi phí hợp lý nhất cho các DN…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tố Uyên (thực hiện)