Giảm chi phí quản lý hành chính thuế

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật thuế, quản lý thuế đã được triển khai khá đồng bộ. Tổng cục Hải quan đã chủ động xây dựng, ban hành quy trình thu theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, còn cơ quan hải quan thực hiện các chức năng quản lý thuế thông qua kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Vì vậy, đã góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí quản lý hành chính thuế.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đề xuất thực hiện các giải pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu, ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế, trên cơ sở đó đã góp phần bảo hộ sản xuất, khuyến khích và định hướng đầu tư sản xuất trong nước phát triển. Đồng thời giúp ngành liên tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu và chỉ tiêu phấn đấu về thu thuế trong nhiều năm liền trong điều kiện phải thực hiện cắt giảm thuế theo các hiệp định đa phương, song phương với khu vực, quốc tế và sự gia tăng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế với những thủ đoạn, hình thức ngày càng tinh vi.

Ngành Hải quan đang nghiên cứu tái thiết kế các quy trình thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ. Ảnh: TH
Ngành Hải quan đang nghiên cứu tái thiết kế các quy trình thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ. Ảnh: TH

Một điểm đổi mới đáng ghi nhận là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, thay vì trước đây chỉ kiểm tra tại trụ sở của doanh nghiệp hoặc cơ quan hải quan thì nay có thể kiểm tra thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tập trung về mã số, trị giá; hệ thống giám sát trực tuyến tại tổng cục. Thông qua kết quả kiểm tra, đã phát hiện những vướng mắc, nổi cộm để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách hoặc chấn chỉnh kịp thời các sai sót, sơ hở trong công tác tổ chức thực hiện.

Trong xu thế cải cách, công tác quản lý thu ngân sách cũng được hiện đại hóa thông qua việc phối hợp thu với các ngân hàng thương mại; áp dụng phương thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, giúp người nộp thuế có thể khai thuế, nộp thuế và thông quan hàng hóa “mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện”.

Thành quả là giai đoạn 2016-2019, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan đều tăng và vượt dự toán được giao, năm sau luôn tăng so với năm trước từ 4%-6%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số thu không đạt dự toán nhưng vẫn đạt 105% số dự kiến đã báo cáo Quốc hội, góp phần tăng thu ngân sách trung ương. Năm 2021, nhờ áp dụng chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa công tác thu đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và ngành Hải quan hoàn thành vượt dự toán được giao. Năm 2022, chỉ qua 9 tháng, số thu ngân sách cũng đã vượt trên 93% dự toán được giao.

Số hóa chính sách thuế

Theo bà Lê Như Quỳnh – Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), trong Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030, ngành Hải quan hướng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị hải quan. Với mục tiêu đó, công tác tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật sẽ cần phải được triển khai tích cực hơn nữa.

Bà Quỳnh cho hay: “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể một số luật gồm: Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Bảo vệ môi trường và Luật Quản lý thuế. Đây là những bộ luật rất quan trọng. Trong quá trình đánh giá này, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để phản ánh tất cả những vướng mắc, từ đó kiến nghị với Chính phủ để đề xuất đưa vào chương trình của Quốc hội để sửa”.

Không chỉ hoàn thiện chính sách, đơn vị chuyên quản về thuế của ngành Hải quan sẽ nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác lập dự báo, xây dựng, thực hiện dự toán thu ngân sách hàng năm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy chế trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thuế, pháp luật hải quan theo hướng quy định rõ trách nhiệm thực thi của “từng khâu, từng cấp, từng vị trí”, tránh tình trạng “đùn đẩy công việc” hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt sẽ tái thiết kế các quy trình thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ với các quy trình thủ tục hải quan làm cơ sở để điện tử hóa các quy trình quản lý thuế từ khâu thu thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh với mức độ tự động hóa cao.

Một số nhiệm vụ khác cũng không kém quan trọng là thu thập, phân tích, đánh giá, xây dựng, sử dụng, quản lý cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất về mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá hải quan, quản lý nợ thuế, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; tự động hóa việc áp dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thu thuế và không thu thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt là số hóa chính sách thuế, thủ tục quản lý thuế đảm bảo minh bạch.