NSC

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) phát biểu chiều 23/6. Ảnh: TTXVN

Không nên tổ chức TCYD như một cuộc bầu cử

Theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), việc tạo hành lang pháp lý cho TCYD bằng ban hành văn bản là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy định thế nào cho phù hợp thực tế và dự kiến được những vấn đề nảy sinh trong tương lai.

Góp ý cho dự thảo về việc đề nghị TCYD, ĐB Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, cần quy định rõ việc TCYD thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của Đảng. ĐB lý giải, từ trước đến nay, mọi vấn đề quan trọng của đất nước đều có ý kiến của Đảng, có sự lãnh đạo của Đảng. Những vấn đề đem ra TCYD đều là vấn đề hệ trọng, có ý kiến của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương...

“Đây là vấn đề tế nhị nhưng thực tế chúng ta vẫn đang thực hiện. Có ý kiến cho rằng đây là văn bản của Nhà nước thì không nên quy định về Đảng trong đó, nhưng theo tôi không nên né tránh, Hiến pháp cũng đã có quy định về Đảng thì Luật này cũng có thể quy định”, ĐB Nguyễn Sĩ Cương phát biểu.

Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị làm rõ về quy định ít nhất một phần ba ĐB Quốc hội có quyền đề nghị TCYD. Cụ thể, cần làm rõ ai là người đứng ra tập hợp, ai là người đứng ra lập tờ trình, ai đủ tư cách đại diện ký tờ trình. Theo ĐB, việc này cần hết sức cẩn thận bởi nếu vấn đề đưa ra TCYD đạt kết quả tốt thì có thể được đánh giá cao, nhưng nếu ngược lại sẽ “không hay”.

Để TCYD đạt kết quả thực chất, ĐB Nguyễn Sĩ Cương đề nghị không nên tổ chức TCYD như một cuộc bầu cử mà nên quy định sao cho đơn giản, yêu cầu không quá cao, với mục tiêu là lấy càng nhiều ý kiến càng tốt. “Tôi cảm nhận dự thảo đang quy định như một cuộc bầu cử…. Mà làm như bầu cử, chúng ta vẫn chấp nhận thực tế là rất nhiều trường hợp bầu hộ, bầu thay, theo tôi là không thực chất”, ĐB Nguyễn Sĩ Cương nói.

Luật TCYD cần lấy ý kiến nhân dân

Một vấn đề còn những ý kiến khác nhau trong Luật TCYD là điều 6, về những vấn đề Quốc hội TCYD. Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị Luật cần quy định cụ thể hơn những vấn đề quan trọng để các chủ thể có quyền yêu cầu Quốc hội quyết định TCYD, như vậy thì tính khả thi cao hơn. Loại ý kiến thứ hai đề nghị luật chỉ quy định khái quát những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định để tùy thuộc vào tình hình cụ thể cũng như những vấn đề cụ thể, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội TCYD.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Trương Ngọc Vinh (Hải Phòng) tán thành với ý kiến thứ 2 được thể hiện như trong dự thảo luật, cũng như những lý giải của ban soạn thảo về việc quy định cụ thể những vấn đề đề nghị TCYD trong luật sẽ không bao quát hết những vấn đề cần đưa ra TCYD. Như vậy có thể sẽ bó hẹp những vấn đề cần TCYD trong thực tiễn.

Cũng về điều 6, ĐB Nguyễn Sĩ Cương cho rằng dự thảo luật TCYD quy định nội dung TCYD là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như vậy không rõ ràng và không nhất quán với Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội. Cần làm rõ đây là những vấn đề Hiến pháp quy định hay là những vấn đề liên quan đến Hiến pháp? Có những vấn đề Hiến pháp quy định là bất di bất dịch, trừ khi sửa Hiến pháp. Vậy có nên đặt vấn đề TCYD về những vấn đề Hiến pháp đã quy định hay không, vì việc TCYD có thể dẫn đến sửa đổi Hiến pháp.

Đây là sự phân tích được ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) tán thành trong phần phát biểu sau đó. ĐB Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị vì đây là Luật TCYD, trong quá trình hoàn thiện cũng cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung quy định trong luật.

Đối với quy định về thẩm quyền TCYD, ĐB Bùi Văn Xuyền tán thành phương án như dự thảo là gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐB Quốc hội có quyền yêu cầu tổ chức TCYD. “Đây là lần đầu tiên nước ta có Luật TCYD, chưa có nhiều kinh nghiệm nên trước mắt quy định như dự thảo là phù hợp và chưa nên mở rộng thẩm quyền đề nghị cho các chủ thể khác, ngoài các chủ thể trên”, ĐB Bùi Văn Xuyền cho biết.

Cũng thống nhất như đại biểu Cương, ĐB Bùi Văn Xuyền đề nghị Luật nên quy định cụ thể hơn phương án 1/3 số ĐB đề nghị TCYD để bảo đảm tính thực tiễn của quy định này. Nếu chỉ quy định như dự thảo luật sẽ rất khó thực hiện trong thực tiễn.

Ngoài ra, ý kiến ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị dự thảo cần làm rõ các nội dung để người dân thấy được Luật này ra đời làm gì, phục vụ cho ai, ai có quyền thực hiện, quyền đưa ra ý kiến, quyền giám sát thực hiện, quy trình, thủ tục thực hiện…

ĐB Phan Văn Tam (Hà Nam) lưu ý việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo phải theo hướng vừa đảm bảo tối đa quyền tự do dân chủ của người dân, vừa phải xem xét bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, tránh để bị lợi dụng làm rối loạn tình hình, người dân trở thành bình phong cho các vấn đề chính trị, khiến kết quả phản ánh không chính xác…/.

Hoàng Yến