Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Ngoại thương: Nghiên cứu hay ứng dụng – định hướng nào phù hợp với ứng viên?

Một số điểm thay đổi trong CTĐT trình độ Thạc sĩ năm 2022 có thể kể đến như sau:

Về đối tượng tuyển sinh

Đối tượng tuyển sinh hướng đến của Chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng (TCNH) theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng là các thí sinh đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên), đáp ứng các điều kiện tuyển sinh của chương trình và có hứng thú, đam mê với lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Về phương thức tuyển sinh

Khoa Sau đại học, Trường Đại học Ngoại thương xét tuyển thẳng vào chương trình khi có nguyện vọng mà không cần qua thi tuyển đối với những ứng viên đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) của Trường Đại học Ngoại thương hình thức đào tạo chính quy, loại giỏi trở lên, các ngành Tài chính - Ngân hàng, Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Ngân hàng, Tài chính quốc tế, Phân tích và Đầu tư Tài chính, Kế toán, Kiểm toán.

Bên cạnh đó, các ứng viên không đủ điều kiện xét tuyển thẳng có thể tham gia thi tuyển vào chương trình thông qua hình thức đánh giá năng lực thí sinh (phỏng vấn đánh giá năng lực thí sinh và xét hồ sơ của thí sinh). Đối với CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành TCNH theo định hướng nghiên cứu, thí sinh đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) từ Khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan tới lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu và thuộc một trong 3 nhóm ngành phù hợp đã học bổ sung kiến thức hai hoặc bốn môn học chuyên ngành có thể đăng ký thi tuyển vào chương trình.

Trường Đại học Ngoại thương: Một số điểm mới trong chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng  năm 2022
PGS, TS Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng nhận Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA – bộ tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN cho chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành TCNH

Đối với CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành TCNH theo định hướng ứng dụng, thí sinh đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) không thuộc nhóm đối tượng được xét tuyển thẳng và thuộc một trong 3 nhóm ngành phù hợp đã học bổ sung kiến thức hai hoặc bốn môn học chuyên ngành theo quy định có thể tham gia thi tuyển vào chương trình.

Về chương trình đào tạo

Học viên tham gia CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành TCNH theo định hướng nghiên cứu có thể khai thác cơ sở dữ liệu FiinPro và vận dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại nhằm đặt vấn đề, tìm kiếm thông tin, xử lý dữ liệu sử dụng phần mềm chuyên dụng, phân tích và giải quyết các vấn đề chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng dưới sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ giảng viên tu nghiệp ở các nước phát triển và giàu kinh nghiệm nghiên cứu.

Đối với CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành TCNH định hướng ứng dụng, học viên có cơ hội thực hành các kiến thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua các bài tập tình huống, tình huống giả lập, học tập theo dự án (project-based learning) sử dụng Không gian trải nghiệm số FTU Digital Hub. Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản tại các nước phát triển và có kinh nghiệm thực tiễn cùng các chuyên gia sẽ hỗ trợ các học viên thực hành, phát triển kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Nội dung đào tạo của CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành TCNH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng được chia ra các học phần bắt buộc và tự chọn. Các học phần bắt buộc cung cấp cho học viên kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, gắn với định hướng nghiên cứu và ứng dụng của từng chương trình như: Kinh tế học tài chính, tài chính doanh nghiệp, Quản trị ngân hàng thương mại, Quản lý tài chính cá nhân, Phân tích tài chính, Tài chính quốc tế, Phương pháp nghiên cứu, Hướng dẫn viết đề án tốt nghiệp v.v... Các học phần tự chọn của từng CTĐT được thiết kế đa dạng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cập nhật, phản ánh xu hướng phát triển trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và trau dồi cho học viên các kỹ năng nghiên cứu và thực hành, đồng thời thể hiện rõ định hướng nghiên cứu và ứng dụng của CTĐT.

Các học phần tiêu biểu có thể kể đến như: Dịch vụ tài chính số, Dự báo trong tài chính, Định giá doanh nghiệp, Kinh doanh ngoại hối, Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, Tài chính công, Tài chính hành vi, Ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ, Tài trợ thương mại quốc tế v.v…

Trường Đại học Ngoại thương: Một số điểm mới trong chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng  năm 2022
Lễ bàn giao FTU Digital Hub giữa Trường Đại học Ngoại thương (FTU) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) – Dự án do Ngân hàng MB tài trợ

Về các hoạt động bổ trợ CTĐT khác

Ngoài hoạt động học tập và thực hành trên lớp, học viên có thể tham gia các buổi Hội thảo khoa học và các buổi Toạ đàm chuyên môn với các chủ đề cập nhật trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhằm hỗ trợ học viên tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu và thực tiễn. Bên cạnh đó, học viên có cơ hội thảo luận các vấn đề thực tiễn về tài chính – ngân hàng với các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, các học viên có cơ hội thực hiện nghiên cứu khoa học và xuất bản các công trình nghiên cứu cùng với các giảng viên - nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực.

Thêm vào đó, Khoa Tài chính – Ngân hàng hợp tác với mạng lưới các chuyên gia, đối tác của Khoa đến từ các tổ chức tài chính, ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp v.v… như Ngân hàng VCB, MB, Vietinbank, Công ty chứng khoán VCBS, MBS, VPS, các doanh nghiệp FiinGroup, Deloitte, Ernst & Young v.v… nhằm tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, Khoa TC-NH còn có mạng lưới các cựu sinh viên và học viên của Khoa, thường xuyên kết nối và hoạt động thông qua fanpage của Khoa trên Facebook – Faculty of Banking and Finance và chi hội Tài chính – Kế toán – Ngân hàng của Hội Cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương – FAA.

Về thời gian đào tạo

Thời gian đào tạo đối với CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng theo định hướng nghiên cứu hệ Chính quy là 18 tháng. CTĐT trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng theo định hướng ứng dụng được triển khai theo 2 hình thức: Chính quy (18 tháng) và Vừa học vừa làm (24 tháng).

Năm 2022, Nhà trường tiếp tục triển khai tuyển sinh Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng. Để biết thông tin chi tiết, truy cập website: http://sdh.ftu.edu.vn/ của Khoa Sau đại học và website: http://fbf.ftu.edu.vn/của Khoa Tài chính – Ngân hàng.

Trường Đại học Ngoại thương: Một số điểm mới trong chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng  năm 2022