Trường Đại học Tài chính Marketing chủ động đóng góp vào chính sách tài chính
Sinh viên Trường Đại học Tài chính Marketing tự tin trong các hoạt động trong và ngoài nhà trường. Ảnh: TL

PV: Ông có thể đánh giá về một số kết quả nổi bật trong quá trình hợp tác giữa TBTCVN với Trường Đại học Tài chính Marketing, thời gian qua?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Việc hợp tác toàn diện giữa TBTCVN Việt Nam và Trường Đại học Tài chính - Marketing nằm trong chủ trương chung của lãnh đạo Bộ Tài chính. Việc hợp tác nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thông tin khoa học, lan tỏa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và phục vụ cộng đồng của nhà trường.

Hoạt động này nhằm góp phần gắn kết và đưa hình ảnh của Trường Đại học Tài chính - Marketing tới các nhà hoạch định chính sách, khách hàng, đối tác, các nhà NCKH, các chuyên gia kinh tế, người học, nhiều đối tượng quan tâm và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhà trường.

Trường Đại học Tài chính Marketing chủ động đóng góp vào chính sách tài chính
PGS.TS Phạm Tiến Đạt

Nội dung hợp tác cụ thể gồm: tổ chức chuyên đề tuyên truyền, thực hiện các tin bài, hình ảnh, tư liệu về hoạt động của Trường Đại học Tài chính - Marketing trên các kênh truyền thông của TBTCVN gồm: báo in, báo điện tử thoibaotachinhvietnam.vn, bản tin video hàng tuần phát trên báo điện tử TBTCVN và kênh Youtube. Hoạt động ngoài mặt báo, gồm tổ chức các sự kiện thường niên như: tọa đàm báo chí; diễn đàn chuyên ngành…

Trường Đại học Tài chính - Marketing được TBTCVN bảo trợ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật thông qua đăng tải tin, bài, ảnh, logo... tại các kênh truyền thông của tòa soạn. Tòa soạn cử phóng viên phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing để kịp thời phối hợp tổ chức tuyên truyền về các mặt hoạt động của nhà trường.

Định kỳ, hai bên phối hợp tổ chức diễn đàn chuyên ngành về các lĩnh vực của ngành Tài chính và những lĩnh vực có thế mạnh của nhà trường. Các chủ đề của diễn đàn được xác định cụ thể theo định kỳ hàng năm, có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan.

Diễn đàn được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, góp phần nâng cao hình ảnh của nhà trường cũng như tăng cường kết nối giữa Trường Đại học Tài chính - Marketing với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và hội nghề nghiệp quốc tế.

Từng bước trở thành đại học thông minh

Mục tiêu của Trường Đại học Tài chính - Marketing phấn đấu từng bước trở thành đại học thông minh có trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp khu vực có khả năng nghiên cứu và thực thi chính sách kinh tế, tài chính, ngân hàng quốc gia đáp ứng nhu cầu ngành tài chính, quốc gia và yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số toàn cầu.

TBTCVN chủ trì triển khai công tác bảo trợ truyền thông và tổ chức sự kiện; đặc biệt đã có nhiều bài báo đăng trên TBTCVN trong năm 2022 về các sự kiện, hoạt động của trường. Nổi bật nhất là sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài chính về dự lễ ký kết hợp tác giữa trường và Công ty cổ phần Bảo Minh và làm việc với cán bộ chủ chốt của trường.

Có thể khẳng định, hợp tác giữa TBTCVN và Trường Đại học Tài chính - Marketing trong thời gian qua rất hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động và đóng góp tích cực của nhà trường đối với cộng đồng xã hội; đặc biệt thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn học sinh phổ thông trên cả nước xét tuyển vào học tại trường.

PV: Theo ông, việc tham gia góp ý, thảo luận, phản biện, xây dựng chính sách tài chính cho Bộ Tài chính trước khi ban hành cần quan tâm đến nội dung, giải pháp, cách thức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Lực lượng cán bộ giảng dạy, NCKH chuyên sâu, chuyên ngành của nhà trường cần được huy động tích cực tham gia vào các đề án xây dựng chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách tài khóa ngay từ khâu bắt đầu khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, trao đổi, hội thảo, tham quan mô hình, thí điểm thực hiện, kiểm chứng... Trên cơ sở nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên có thể đưa ra nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng chính sách mang đầy đủ cơ sở khoa học, tính thực tiễn cao và thực sự phát huy tác dụng hữu hiệu chính sách vĩ mô đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, các cơ quan chủ trì soạn thảo đề án cần bố trí kinh phí để tạo điều kiện hỗ trợ các cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia, các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng đề án. Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân tham gia tích cực và có nội dung ý kiến đóng góp có chất lượng, có giá trị góp phần hoàn thiện đề án được phê duyệt áp dụng vào thực tiễn thì cần được ghi nhận đóng góp công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành, biểu dương và khen thưởng.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, trường cần chú trọng phát triển mở rộng, chuyên sâu vào những lĩnh vực nào để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thời đại, của đất nước cũng như của ngành Tài chính, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Trong năm 2023, toàn trường tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm đã thống nhất trong nhiệm vụ công tác năm. Trong đó, chúng tôi ưu tiên các giải pháp đột phá chiến lược về đào tạo nâng cao trình độ viên chức quản lý và giảng viên gắn với nâng cao nhận thức về hiệu quả vượt trội của chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển của trường.

Đặc biệt là nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành viên trong trường tích cực tham gia sâu rộng vào công cuộc chuyển đổi số, tiến tới đưa việc ứng dụng và phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trở thành thuộc tính tự giác, tự nguyện, tự hào và năng lượng tích cực của mỗi thành viên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục trình độ đại học

Một nhiệm vụ nữa là từng bước áp dụng KPIs cho từng bộ phận, từng lĩnh vực (về nhân sự: tuyển dụng, đào tạo, năng suất của nguồn nhân lực, an toàn lao động, giờ làm việc, tiền lương, đánh giá công việc, hoạt động cải tiến, lòng trung thành…; về tài chính, về chất lượng, về quảng cáo, truyền thông…) và từng cá nhân; và xây dựng lộ trình áp dụng ISO trong quản trị điều hành đại học thông minh.

Trong giai đoạn 2023-2025, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục trình độ đại học theo định hướng thực hành, trình độ sau đại học theo định hướng nghiên cứu khoa học chuyên sâu, chuyên ngành gắn với công nghệ cao và chuyển đổi số; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học có chất lượng của khu vực và thế giới; đẩy mạnh hợp tác đào tạo thực hành cho sinh viên, học viên tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, marketing, kinh doanh khách sạn, du lịch... và các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành đào tạo của trường.

Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, giáo dục và quản lý đào tạo, nhà trường đang tập trung nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ, tăng cường thường xuyên đầu tư đào tạo lại, đào tạo nâng cao đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo, cán bộ nghiên cứu khoa học, bao gồm cả đào tạo tại các cơ sở giáo dục, nghiên cứu trong nước, quốc tế và ngoài nước.