Nỗ lực xóa bỏ rào cản kỳ thị Số liệu của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong số 260.000 người nhiễm HIV có tới 40% số người không biết mình nhiễm bệnh. Trong lĩnh vực điều trị, tính đến tháng 6/2014, toàn quốc có 86.771 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV. Như vậy, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV chỉ chiếm 32% số người nhiễm HIV hiện đang sống trong cộng đồng. Số liệu trên cho thấy, số người được điều trị hiện chiếm số lượng không lớn, vì vẫn có rào cản đối với những người nhiễm HIV - đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Do vậy, công tác truyền thông đang không ngừng nỗ lực nhằm xóa bỏ rào cản của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Ở nước ta, các hoạt động truyền thông nhằm phổ biến kiến thức cho người nhiễm HIV, đồng thời truyền thông cũng thay đổi hành vi của xã hội đối với người nhiễm HIV. Một số bộ phận trong xã hội đã nhận thức được nên tình trạng kỳ thị đối với người nhiễm HIV đang dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, việc kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại, nhưng nhờ có công tác truyền thông nên nhiều người cũng đang dần thay đổi thái độ xa lánh đối với người nhiễm HIV/AIDS. Thay đổi hành vi, thái độ của cộng đồng Kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS cần phải được xóa bỏ hoàn toàn. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh, địa vị xã hội nào, thì sự tham gia của cộng đồng đối với những nhiễm HIV/AIDS là một việc làm tạo được sự đồng cảm, sẻ chia với những nỗi đau, sự mất mát mà họ gặp phải. Chung tay góp sức đẩy lùi nhiễm HIV đồng thời trong cộng đồng sẽ dần xóa bỏ kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: ST Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 10/2014 số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước là 221,6 nghìn người, trong đó 70,6 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 72,9 nghìn người. Các số liệu cũng cho thấy, mỗi tháng đều có thêm người nhiễm HIV được phát hiện, cụ thể 3 tháng gần đây nhất: tháng 8/2014 phát hiện thêm 1.400 người, tháng 9 là 1.034 người và tháng 10 là 980 người. Đây chưa phải là con số cuối cùng có thể xác định được, vì thế với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, việc xóa bỏ kỳ thị sẽ làm giảm thiểu hơn số ca nhiễm HIV. Với sự nỗ lực không ngừng của công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho cộng đồng xã hội, mà hành vi, ứng xử của nhiều người đã thay đổi. Mặc dù có sự tuyên truyền hiệu quả như vậy, nhưng việc nỗ lực từ nhiều phía từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các nhà hoạt động xã hội… nhờ đó mà sự xa lánh, hành vi cư xử đối với người nhiễm HIV được chuyển biến rõ rệt. Công tác truyền thông đã gần như bảo đảm được tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trính xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, các quy định về pháp luật đối với người nhiễm HIV/AIDS được triển khai một cách hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người bị nhiễm HIV. Ngoài ra, nhờ truyền thông, các cơ chế hỗ trợ người nhiễm HIV cũng đang từng bước đuợc giải quyết như việc người nhiễm HIV được có việc làm, việc học tập, sinh hoạt cũng được quan tâm hơn để họ có thể bình đẳng như những người khác, việc khám chữa bệnh, tạo điều kiện để điều trị được phát huy tốt hơn, nhằm cải thiện rõ rệt được tình hình của bệnh, tránh lây lan trong xã hội. Đặc biệt, công tác truyền thông đã làm giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng đối với những người mang bệnh. Đồng thời, cũng đã có rất nhiều người tham gia vào nhiều tổ chức tình nguyện, tổ chức xã hội để lên tiếng kêu gọi quyên góp, ủng hộ đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Chính vì vậy, “Không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS” cũng là chủ để chính của Thánh hành động quốc gia phòng chống chống HIV/AIDS năm 2014 để tăng sự hiểu biết, thay đổi hành vi, thái độ của toàn thể xã hội./.

Thảo Dương