Luật QLNC (sửa đổi) được triển khai

Luật QLNC (sửa đổi) được triển khai sẽ đưa việc vay, trả và sử dụng nợ công đi vào “quỹ đạo” ổn định.

Với nhiều nội dung mới như: siết chặt quy định về nợ bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại; trách nhiệm người đứng đầu và đặc biệt là quy định về thống nhất chức năng, nhiệm vụ của cơ quan QLNC về một đầu mối.

Quản lý nợ công về một đầu mối

Luật QLNC (sửa đổi) gồm 9 chương, 63 điều, bao gồm các quy định về hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ QLNC. Tiếp thu các ý kiến đóng góp trong suốt quá trình xây dựng luật, một trong những nội dung đổi mới quan trọng là quy định rõ đầu mối QLNC theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính là “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”; giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Bảng Trang 7
Theo ý kiến các chuyên gia, quy định này là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, luật cũng giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong QLNC nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…

­Không cấp phát vốn vay nước ngoài

Bên cạnh đó, Luật QLNC (sửa đổi) còn có nhiều nội dung mới quan trọng để việc QLNC được đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể như Khoản 4, Điều 5 về nguyên tắc QLNC quy định rõ: “Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nợ chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước (NSNN)”.

Khoản 4, Điều 19 quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức”...

Liên quan đến việc thay đổi nhiệm vụ về quản lý vốn vay ODA, Khoản 3, Điều 29 về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quy định: “Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài”.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, Điều 15 nêu rõ, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và có 15 khoản về nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, điểm e, Khoản 1 quy định Bộ Tài chính: “Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký kết, phê chuẩn và điều chỉnh thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước”.

Ngoài ra, tại điều 21, luật bổ sung thêm khái niệm ngưỡng để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý. Luật cũng quy định rõ mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ.

Có thể nói, Luật QLNC (sửa đổi) nếu được triển khai theo đúng tinh thần này sẽ đưa việc vay, trả và sử dụng nợ công đi vào “quỹ đạo” ổn định.

* Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu:

Khắc phục tư tưởng ngân sách là “bầu sữa không cạn”

Trần Quang Chiểu
Ông Trần Quang Chiểu  

Luật QLNC (sửa đổi) lần này có 4 điểm nổi bật mà tôi tâm đắc. Thứ nhất là, không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước (NSNN). Nguyên tắc này sẽ khắc phục được tư tưởng NSNN là “bầu sữa không bao giờ cạn”.

Thứ hai là, luật quy định đối tượng cụ thể được Chính phủ cho vay lại, được Chính phủ bảo lãnh; quy định chặt chẽ các điều kiện được cho vay lại, điều kiện được bảo lãnh. Nội dung này sẽ khắc phục được tư tưởng, tư duy nhiệm kỳ, vay được thì cứ vay, đời sau sẽ trả.

Thứ ba, luật quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trình, phê duyệt, ký bảo lãnh, sử dụng vốn vay. Nội dung này sẽ khắc phục được tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả của nhiều dự án, nhiều đơn vị thời gian qua, làm giảm lòng tin của nhân dân, cử tri.

Đặc biệt, nội dung thứ tư là thống nhất một đầu mối QLNC để chấm dứt tình trạng phân tán, chia cắt, chồng chéo trong QLNC hiện nay.

* PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Quản lý vay nợ theo một “cơ quan tổng chỉ huy”

PGS.TS Hoàng Văn Cường
PGS.TS Hoàng Văn Cường

Bước tiến lớn của Luật QLNC (sửa đổi) là việc tập trung QLNC vào một đầu mối. Trước đây, do phân tán mỗi cơ quan quản lý một nguồn khác nhau nên tình trạng nợ của quốc gia thiếu thông tin, thiếu thông suốt. Nhiều thời điểm, nợ phải thanh toán quá nhiều, dồn cục, cả gốc và lãi. Với quy định của luật lần này, Bộ Tài chính là đơn vị phải chịu trách nhiệm quản lý chính, phải bao quát được tất cả các nguồn vay, kể cả vay ODA, ưu đãi. Bên cạnh đó, luật cũng có điều khoản quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ”. Như vậy, các bộ, ngành liên quan vẫn có thể cùng tham gia. Do đó, việc này không làm xáo trộn nhiều về bộ máy. Điều khác biệt là từ nay, việc vay thế nào, vay bao nhiêu phải theo kế hoạch, theo “cơ quan tổng chỉ huy”.

Ngoài ra, luật lần này đã có nhiều điểm mới quan trọng về quản lý nợ, chẳng hạn như các điều kiện vay về cho vay lại được xem xét chặt chẽ hơn. Trách nhiệm của đơn vị vay về cho vay lại quy định rất rõ. Các khoản vay về cho vay lại với các tổ chức hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp… phần lớn đều phải thông qua ngân hàng. Như vậy, không còn chuyện dùng NSNN để trả cho nợ vay về cho vay lại.


* PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Triển khai hiệu quả, nợ công sẽ được kiểm soát chặt chẽ

PGS.TS Trần Hoàng Ngân
 PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Những quy định của Luật QLNC (sửa đổi) cho thấy Chính phủ đã ý thức rất cao về yêu cầu QLNC chặt chẽ, hiệu quả. Luật lần này đã quy định rất chặt chẽ về nhiều chính sách như bảo lãnh vay của Chính phủ, vay về cho vay lại…

Về mô hình tổ chức quản lý, khác với trước đây có nhiều cơ quan cùng tham gia, thì luật mới đã “gom” nhiệm vụ quản lý nợ về một cơ quan đầu mối thống nhất. Có thể thấy rằng, gánh nặng trách nhiệm của Bộ Tài chính sẽ lớn hơn khi phải nhận thêm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu luật lần này được triển khai nghiêm túc, đi vào cuộc sống hiệu quả, tôi tin rằng sẽ đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

H.Y (thực hiện)