Từ thương hiệu Chè Ba Trại đến bước chuyển mình ở một vùng quê Ba Vì

Làng nghề chè xã Ba Trại, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội Ảnh: Nông Thu Trang

Xây dựng thương hiệu “Chè Búp Khô”

Nằm tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, làng nghề chế biến chè búp khô Ba Trại từ lâu đã nổi tiếng với thương hiệu chè ngon được sánh ngang với chè Thái Nguyên. Chè Ba Trại có hương vị đậm đà, vị nước chè được kết tinh từ đất, nước và khí hậu nơi trồng cây chè, thêm vào đó là đôi bàn tay giàu kinh nghiệm trong việc sơ chế chè, chọn chè, tạo nên hương vị đặc trưng riêng của chè nơi đây.

Được sự quan tâm chỉ đạo của trung ương, TP. Hà Nội, vùng trồng chè được mở rộng, giống cây chè cũ được thay bằng giống chè LDP1. Chất lượng, sản lượng được nâng cao, máy móc chế biến chè cũng dần được thay thế hiện đại. Đặc biệt thị trường biết đến cây chè xã Ba Trại nhiều hơn, đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.

Từ thương hiệu Chè Ba Trại đến bước chuyển mình ở một vùng quê Ba Vì

Ông Nguyễn Quang Hùng có kinh nghiệm làm nghề chè truyền thống hơn 50 năm Ảnh: Nông Thu Trang.

Ông Nguyễn Quang Hùng - người dân làng nghề chè thôn 3, xóm Đô, xã Ba Trại, cho biết: “Gia đình có truyền thống làm nghề trồng chè và sao chè cũng đã hơn 50 năm. Những năm đầu phương thức sản xuất, chế biến chè còn thô sơ lạc hậu. Vài năm trở lại đây, nhờ khoa học - kỹ thuật tiến bộ, giống cây chè cũng đã được đổi mới cho năng suất cao hơn. Việc sao chè khô cũng đã nhanh hơn nhiều vì có máy móc công nghiệp hiện đại”.

Với hơn 470 ha trồng chè, Ba Trại là xã có diện tích trồng chè lớn nhất TP. Hà Nội. Mỗi một năm cây chè cho thu hoạch 7 - 8 lứa/ha, cho ra khoảng 8 - 10 tấn chè búp tươi. Về giá trị kinh tế, thành phẩm “Chè búp khô Ba Trại” bán ra với mức giá có thể giao động từ 300 - 500 nghìn đồng/kg, cho thu nhập khoảng 300 triệu/ha/năm. Sản phẩm chè được phân phối bán trên khắp các tỉnh thành của cả nước.

Chè được trồng theo mô hình tiêu chuẩn của VietGap, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và sản suất chè theo hướng an toàn, dùng chế phẩm sinh học để thay cho thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường, đồng thời vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng.

Gần 60 năm về trước, người dân xã Ba Trại đã lấy giống cây chè Trung du lá nhỏ từ Phú Thọ để trồng trên đất nông nghiệp của mình. Nhờ có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè phát triển nhanh, cho ra sản phẩm ngon, dần tạo thành thương hiệu của nơi đây.

Nhờ áp dụng mô hình VietGap năm 2021 sản phẩm “Chè sạch Ba Trại” được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm chè mỗi năm đều góp mặt tại hội chợ nông sản tại TP. Hà Nội.

Phát triển cây chè song song với du lịch

Sản phẩm chè tuy đã mang lại những giá trị nhất định về mặt kinh tế, nhưng “Chè Búp Khô” Ba Trại muốn mở rộng thị trường thì cần có thêm những giải pháp mới. Nghị quyết của Đảng ủy, hội đồng nhân dân xã Ba Trại đã quyết định xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Việc kết hợp với du lịch vừa giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, vừa tạo điều kiện quảng bá thương hiệu “Chè Búp Khô” Ba Trại đến gần hơn với người tiêu dùng.

Xã có lợi thế phong cảnh thiên nhiên và khí hậu mát mẻ, những đồi chè trải dài, uốn lượn. Ba Trại vừa là nơi hội tụ văn hóa Kinh, Mường, cùng phát triển làng nghề chè. Khi đến đây khách tham quan du lịch vừa được trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất chè, lại thấy những phong tục tập quán sinh hoạt riêng, đến từ những người dân địa phương.

Từ thương hiệu Chè Ba Trại đến bước chuyển mình ở một vùng quê Ba Vì
Khách tham quan trải nghiệm hái chè Ảnh: Nông Thu Trang.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - người dân thôn 3, xóm Đô, xã Ba Trại, chia sẻ: "Khi đến với làng nghề, du khách sẽ được thăm quan và trải nghiệm trực tiếp những quy trình từ hái chè, sao chè, sấy chè… giúp du khách có những trải nghiệm thú vị, từ đó quảng bá văn hóa làng nghề chè xã Ba Trại. Không chỉ tiếp đón những du khách trong nước, rất nhiều du khách quốc tế từ Đức, Anh, Nhật, Hàn Quốc… cũng đã đến đây."

Làng nghề cũng đang thu hút một lượng lớn những thế hệ trẻ đến du lịch. Từ các trường mầm non, tiểu học… đăng ký cho học sinh được trải nghiệm thực tế, đến các bạn sinh viên đến từ các trường đại học quanh địa bàn thành phố.

Mai Đình Đạt - sinh viên Trường Đại học Điện Lực, hào hứng kể lại quy trình sản suất chè truyền thống: “Chè được hái từ cây về được bỏ vào lò đã nhóm lửa. Người nhóm lò cần kiểm soát nhiệt độ đủ để cho chè vào sao đến khi chín chè (đây người ta gọi là bước luộc chè khô). Bước tiếp theo là đổ chè ra nia, dùng tay hoặc máy để tách những búp chè. Cuối cùng là chè lại được đổ vào máy sao cho đến khi khô co lại và cho ra thành phẩm. Mỗi mẻ người ta sao từ 1 - 2 kg chè tươi, nhưng 1 kg chè tươi chỉ cho ra 2 lạng chè khô”.

Việc kết hợp làng nghề truyền thống cùng với du lịch, không những giúp người nông dân nơi đây tăng thêm thu nhập, mà còn là đòn bẩy để quảng bá thương hiệu “Chè Ba Trại” đến người tiêu dùng cả trong nước, quốc tế theo hướng tiếp cận gần gũi và thực tế nhất.

Việc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch sẽ giúp cây chè trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của xã Ba Trại. Cây chè giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân “bám nghề” duy trì làng nghề chè truyền thống.