Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” tập trung thảo luận về các luận cứ khoa học và giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tư tưởng báo chí cách mạng Hồ Chí Minh kết tinh lý luận, thực tiễn và thể hiện tầm nhìn sâu rộng
PGS.TS Mai Đức Ngọc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Hương.

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ghi nhận sự đóng góp không ngừng của các cơ quan báo chí và phóng viên trong việc tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” hướng tới giúp báo chí Việt Nam phát huy những thành tựu gần 100 năm qua và đóng góp tích cực trong thời kỳ mới.

Cũng theo GS.TS Lê Văn Lợi, điều này đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của nền báo chí Việt Nam, nhưng cũng cần đối mặt với thách thức từ tình hình trong và ngoài nước, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số.

Trong báo cáo đề dẫn, PGS, TS. Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho sự phát triển của báo chí - truyền thông, nhưng cần sáng tạo và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Ông cho rằng việc này đòi hỏi sự đánh giá khách quan, toàn diện về sứ mệnh, phẩm chất và năng lực của người làm báo, cũng như sự hoàn thiện hệ thống lý luận và chính sách báo chí - truyền thông thời kỳ mới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp như: Nâng cao nhận thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, hoàn thiện chính sách pháp luật, và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, những giải pháp này nhằm thúc đẩy sự phát triển của báo chí - truyền thông Việt Nam, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và những yêu cầu của thời đại mới./.