Ứng dụng công nghệ thông minh nâng cao chất lượng bảo trì hạ tầng giao thông
Lĩnh vực bảo trì đường bộ luôn quan tâm áp dụng cộng nghệ mới để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm ngân sách. Ảnh: tư liệu

Tập trung các công trình giao thông vùng Tây Nguyên

Kế hoạch quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ GTVT ban hành.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong quản lý, vận hành khai thác, bảo trì; huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương.

Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc lập kế hoạch xử lý các hư hỏng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng bảo dưỡng thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ công tác sửa chữa định kỳ, đảm bảo chất lượng công trình.

Xác định thứ tự ưu tiên, bảo trì trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên bảo trì tại những điểm nghẽn trên đường bộ: Điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, cầu yếu hạn chế tải trọng, cầu hẹp trên quốc lộ huyết mạch kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, sửa chữa các đoạn hư hỏng, khắc phục sự cố do thiên tai gây ra trên quốc lộ. Đối với hàng không là các đường lăn, đường cất hạ cánh đảm bảo an toàn bay.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác bảo trì, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu mới, vật liệu thay thế thân thiện môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tái sử dụng vật liệu trong công tác bảo trì; tổ chức đấu thầu công tác bảo trì đảm bảo tính minh bạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành khai thác.

Chủ động rà soát, xây dựng dự báo nhu cầu nguồn vốn cho công tác bảo trì trong xây dựng dự toán chi hàng năm, báo cáo Chính phủ xem xét bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Về công nghệ, Bộ GTVT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị vận hành khai thác.

Đưa máy thông minh vào bảo trì

Khoa học công nghệ giúp thay đổi về chất bảo trì hạ tầng giao thông
Ảnh minh họa.

Đối với lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với đường bộ là đường sắt cũng đang triển khai dự án nâng cao năng lực quản lý an toàn, đưa máy thông minh, thiết bị hiện đại vào bảo trì đường ray.

Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam" do Hàn Quốc tài trợ, với tổng mức đầu tư gần 253 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm giới thiệu, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận và vận hành một số máy móc thiết bị trong hoạt động bảo trì giao thông vận tải đường sắt tiên tiến tại Hàn Quốc vào các tuyến đường sắt hiện hữu tại Việt Nam; Xây dựng, hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện vận hành đường sắt tại Việt Nam.

Với việc triển khai dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam", phía Hàn Quốc sẽ giới thiệu và vận hành một số máy móc thiết bị trong hoạt động bảo trì đường sắt tiên tiến vào các tuyến đường sắt hiện hữu tại Việt Nam; xây dựng, hiệu chỉnh hệ thống bảo trì giao thông đường sắt phù hợp với việc đặc điểm vận hành đường sắt tại Việt Nam như kết hợp đào tạo và thực hành ứng dụng các tiêu chuẩn thay thế ray, tà vẹt, nền đường sắt...

Cụ thể, cung cấp thiết bị thiết bị phục vụ bảo trì, bảo dưỡng đường ray; ray và phụ kiện ray phục vụ thử nghiệm; máy, thiết bị phục vụ công tác hàn khí gas hơi ép trong đào tạo và thực hành; máy, thiết bị phục vụ công tác hàn nhiệt nhôm trong đào tạo và thực hành; máy, thiết bị phục vụ công tác thay ray, tà vẹt trên tuyến; máy, thiết bị và vật tư tiêu hao phục vụ công tác mài ray, khoan ray...

Cùng đó, đào tạo nhân lực đường sắt Việt Nam về thực hành chuyên môn để thực hiện công tác bảo dưỡng đường ray như kiểm tra xác định ray khuyết tật (trên bề mặt và các khuyết tật ẩn dấu bên trong thanh ray) bằng các thiết bị thăm dò ray, cưa cắt ray, hàn ray, mài ray...

Sử dụng máy móc thiết bị duy tu cá nhân, thông minh sẽ giúp sớm phát hiện khuyết tật ẩn giấu gây mất an toàn tại các cấu kiện trên đường ray, tà vẹt khi điều tra thủ công bằng mắt thường không thể phát hiện. Qua đó góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu các tai nạn do duy tu không kịp thời hoặc chưa có đủ kinh phí để duy tu theo định mức kinh tế kỹ thuật. Nhà thầu bảo trì đường sắt cũng dễ dàng đầu tư thực hiện bảo trì hiệu quả, chính xác./.