Ưu tiên chuyển đổi xanh để không bị loại khỏi “cuộc chơi”

Những doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển bền vững về môi trường có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ

Tọa đàm “Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024”, do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 21/3, đã giúp doanh nghiệp nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về yêu cầu chuyển đổi bền vững trong nước và quốc tế cùng những ảnh hưởng trực diện đến doanh nghiệp Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, với chủ đề “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh”, Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững, với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro

Thực hiện ESG góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi, dành nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh môi trường đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên... Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ cho hay.

Ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), cho rằng tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức ngày càng lớn, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.

Theo ông Mark Birnbaum, thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua lợi nhuận tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó là hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng rộng rãi với tầm quan trọng tương đương dựa theo các yếu tố môi trường, quản trị, xã hội bên cạnh các chỉ số thông thường.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.

Ưu tiên thực hành chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh -0

Trao đổi tại tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh, bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng.

“Do đó, xu hướng “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E - môi trường, S - xã hội và G - quản trị doanh nghiệp. Trước xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng - áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi cuộc chơi” - bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin thêm, theo báo cáo gần đây chỉ từ năm 2016-2021, số lượng chính sách liên quan đến ESG ở Châu Á - Thái Bình Dương tại năm 2021 đã tăng gấp 2 lần. Nếu doanh nghiệp cứ bàng quan, thì bài toán bơi ra khỏi khu vực, chưa nói đến "bơi" ra quốc tế ở môi trường rộng hơn, là điều không tưởng. “Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội ở các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Ước mơ xa hơn nữa là chinh phục các thị trường khó tính ở Mỹ và châu Âu. Nếu doanh nghiệp không cập nhật những quy định ESG thì cơ hội sẽ bị đóng lại trước mắt. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt nguyên tắc ESG, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai” - bà Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Duy - Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu Quỹ respons Ability Investments AG (Thuỵ Sỹ), cho biết trong xu thế xanh hoá, lãnh đạo cấp cao hiểu và tích cực về vấn đề xanh, phát triển xanh bền vững là rất tốt và sẽ định hướng được đầu tư vào đâu trong chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, để đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, tốn kém do vậy cần có tầm nhìn dài hạn đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng...

Ông Bùi Quang Duy cho rằng, những khoản đầu tư lớn như vậy doanh nghiệp không thể đi một mình, mà cần phải có hệ sinh thái. Theo đó, quỹ hiện đang có xu hướng đầu tư vào chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững. Do vậy, Quỹ respons Ability Investments AG sẽ hỗ trợ doanh nghiệp những gói hỗ trợ kỹ thuật và khoản viện trợ đầu tư dài hạn, cùng ngồi lại và thảo luận trực tiếp với doanh nghiệp và đưa ra gói kỹ thuật phù hợp với từng doanh nghiệp. Phát triển xanh bền vững và tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả, đó là sự cộng hưởng của doanh nghiệp, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế.

Doanh nghiệp có cơ hội nhận gói hỗ trợ kỹ thuật giá trị 2 tỷ đồng

Sáng kiến ESG Việt Nam là một trong những nỗ lực góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Việc áp dụng thực hành ESG và kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là sáng kiến đầu tiên của USAID tại Việt Nam về ESG dành cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững, nâng cao uy tín và thu hút sự quan tâm từ khách hàng, đối tác và các bên liên quan trong quá trình quyết định đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp. Top 10 doanh nghiệp vào vòng chung kết sẽ được đào tạo, tư vấn 1 - 1 nhằm xây dựng lộ trình triển khai ESG và thiết lập báo cáo phát triển bền vững.

Đặc biệt, 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc sẽ nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật, với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và USAID để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến ESG tại doanh nghiệp.