Phát triển hài hòa các phương thức vận tải

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình với việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Một trong những giải pháp mà kế hoạch đưa ra là phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics gồm: ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Văn
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Văn

Cùng với đó là việc ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế, với giá thành hợp lý, chất lượng cao cũng như tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối.

Kế hoạch cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị.

Đảm bảo khởi công cao tốc Bắc-Nam đúng hẹn

Cũng theo Bộ GTVT, ngoài việc quan tâm thúc đẩy phát triển vận tải, thì dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 hiện tại là công việc trọng tâm nhất của toàn ngành GTVT. Chính vì vậy, Bộ GTVT luôn chỉ đạo rất quyết liệt về tiến độ. Cụ thể, đối với 12 gói thầu dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 phải khởi công năm 2022, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án (BQLDA) cần khẩn trương thực hiện công tác chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân vốn giải phóng mặt bằng đã bố trí năm 2022, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu/12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022. Các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khởi công, sau khi khởi công phải thực hiện ngay việc triển khai thi công.

Còn đối với 13 gói thầu còn lại, các BQLDA cũng phải tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và các đơn vị liên quan, hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15/1/2023 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua địa phận 12 tỉnh

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km) được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Trong đó, 12 dự án thành phần này được chia thành 25 gói thầu, trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của các BQLDA, đến ngày 25/11, có 7/12 địa phương đã giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ trên 60% là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). 5/12 địa phương chậm giải phóng mặt bằng, chưa đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ gồm: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, thành phố Cần Thơ.

Để thúc tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị các thứ trưởng phụ trách các dự án làm việc với các địa phương có dự án đi qua để phối hợp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung vật liệu….

Ngoài ra, các BQLDA cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan của các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án đáp ứng tiến độ khởi công các gói thầu.