7 tháng giải ngân được trên 346 tỷ đồng

Báo cáo từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) cho biết, ngay từ cuối năm 2022, đơn vị đã hoàn thành phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2023 theo quyết định giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đơn vị đã hoàn thành việc điều chỉnh phân bổ kế hoạch vốn ngay trong tháng 2/2023 sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính; ban hành quyết định về việc kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 ngay khi có văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chỉ đạo các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục về việc kéo dài vốn tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất giảm trên 158 tỷ đồng vốn đầu tư công
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất điều chỉnh giảm trên 158 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh minh họa: H.T

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, VKSNDTC đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư, thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư triển khai kế hoạch vốn năm 2023, trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023…

Đến hết tháng 7/2023, toàn ngành chỉ giải ngân được trên 346,7 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch vốn giao trong năm 2023, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước tại thời điểm tháng 7/2023 hơn 3%.

Viện trưởng VKSNDTC đã kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ĐTC trong toàn ngành do một phó viện trưởng làm tổ trưởng. Tại các đơn vị có dự án đầu tư công trong toàn ngành cũng đã kiện toàn tổ công tác thúc đẩy giải ngân do 1 lãnh đạo viện làm tổ trưởng… Các thành viên tham gia trong các tổ công tác này đều là lãnh đạo các vụ, cục của ngành, được phân công trách nhiệm cụ thể để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân.

Đặc biệt, VKSNDTC đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát, lập kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án đối với kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 và kế hoạch vốn giao năm 2023 theo từng tháng; báo cáo việc thực hiện dự án và giải ngân theo quy định…

Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2023, toàn ngành chỉ giải ngân được trên 346,7 tỷ đồng, đạt 34,8% kế hoạch vốn giao trong năm 2023, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước tại thời điểm tháng 7/2023 hơn 3%.

Báo cáo từ VKSNDTC cho biết, việc giải ngân chậm chủ yếu tập trung vào các dự án nhóm B chiếm tỷ trọng vốn lớn; thời gian triển khai các thủ tục đầu tư bị chậm do phải thực hiện nhiều bước, nhiều khâu như: đấu thầu, lựa chọn tư vấn, thẩm tra, thực hiện thẩm định của cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, sở xây dựng các địa phương và cơ quan phòng cháy chữa cháy… dẫn đến thời gian kéo dài. Trong khi đó, đến ngày 20/6/2023, Chính phủ mới có Nghị định số 35/2023/NĐ- CP tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định dự án đầu tư của cơ quan chuyên môn về xây dựng và thẩm quyền nghiệm thu công trình.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất giảm trên 158 tỷ đồng vốn đầu tư công
Nguồn vốn ĐTC được VKSNDTC đề xuất giảm tập trung tại 7 dự án nhóm B. Ảnh minh họa: H.T

Bên cạnh đó, một số dự án do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án đang triển khai có tiến độ thi công chậm do ảnh hưởng bởi thời tiết tại địa phương mưa nhiều…

Đề xuất giảm vốn của 7 dự án nhóm B

Để sử dụng hiệu quả vốn ĐTC từ nguồn ngân sách trung ương, VKSNDTC đề xuất điều chỉnh giảm 158,5 tỷ đồng trên tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành năm 2023 của 7 dự án nhóm B để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bổ sung các bộ, ngành, cơ quan trung ương có nhu cầu bổ sung vốn.

Cụ thể, điều chỉnh giảm 38,5 tỷ đồng của dự án Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP. Đà Nẵng. Theo đề xuất của chủ đầu tư, do dự án cần tập trung giải ngân kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 nên không đủ khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.

Để sử dụng hiệu quả vốn ĐTC từ nguồn ngân sách trung ương, VKSNDTC đề xuất điều chỉnh giảm 158,5 tỷ đồng trên tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành năm 2023 của 7 dự án nhóm B để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bổ sung các bộ, ngành, cơ quan trung ương có nhu cầu bổ sung vốn.

Điều chỉnh giảm 30 tỷ đồng của dự án VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh do dự án đang tập trung thi công để có khối lượng thanh toán và thực hiện thu hồi vốn đã tạm ứng từ năm 2022 nên không đủ khối lượng để giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn năm 2023.

Đồng thời, điều chỉnh giảm 17 tỷ đồng của dự án VKSND tỉnh Hà Nam. Theo đề xuất của chủ đầu tư, do dự án đang trong quá trình thẩm định thiết kế, bản vẽ thi công nên đến cuối năm chỉ tập trung đấu thầu và giải ngân vốn kéo dài.

Điều chỉnh giảm 23 tỷ đồng của dự án VKSND tỉnh Bắc Kạn; 25 tỷ đồng của dự án VKSND tỉnh Thanh Hóa; 11 tỷ đồng của dự án VKSND tỉnh Bến Tre và 14 tỷ đồng của VKSND tỉnh Kiên Giang. Theo rà soát, các dự án hiện đang hoàn thiện thiết kế, bản vẽ thi công. Hơn nữa, căn cứ tiến độ dự án, từ nay đến cuối năm tập trung thẩm định thiết kế và đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp theo quy định hợp đồng chỉ ứng tối đa 30% nên cũng chỉ giải ngân tối đa số vốn còn lại sau giảm trừ.

Ngoài ra, VKSNDTC cũng đề nghị kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024 đối với dự án VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh do gặp vướng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. VKSNDTC cho biết, đến cuối năm 2021 dự án mới xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên không đủ thời gian để thực hiện dự án và thời gian bố trí vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công (dự án nhóm B không quá 4 năm).