12

Chính sách phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ cần được xây dựng đồng bộ với quản lý ngân sách, quản lý nợ và quản lý ngân sách quỹ.

Tại buổi làm việc, hai bên tập trung trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác đôn đốc thu, các biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, kinh nghiệm của Việt Nam về lĩnh vực quản lý nợ công.

Đề cập tới việc quản lý ngân sách của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho biết, các cấp ngân sách trong quá trình điều hành dành tối thiểu 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp mình để đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ thu, hoặc đảm bảo được cân đối ngân sách mới được sử dụng nguồn dự phòng cho các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh.

“Nhờ có các biện pháp quyết liệt, trong điều hành đã đáp ứng các nhiệm vụ chi NSNN quan trọng, đồng thời dành nguồn để xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh như khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, thanh toán nợ khối đầu tư xây dựng cơ bản, điều hành mức bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội cho phép điều chỉnh,…”, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp khẳng định.

Bên cạnh đó, công tác chống thất thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác thu ngân sách. “Công tác chống thất thu NSNN là công việc lâu dài, liên tục, có hệ thống và tùy từng thời điểm cụ thể để có các phương án thích hợp để triển khai”. Chính vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp đề nghị đưa nội dung trên vào Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam và Lào.

“Bộ Tài chính Việt Nam sẵn sàng đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm sang phối hợp với Bộ Tài chính Lào để trao đổi các biện pháp cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp bày tỏ.

Về lĩnh vực xử lý nợ, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho biết, Việt Nam đã ban hành tương đối đầy đủ hệ thống khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ, như Chính phủ đã phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, với các chỉ tiêu cụ thể để duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp thông tin, nợ nước ngoài của Việt Nam có chiều hướng giảm trong tổng vay nợ của Chính phủ. Hiện Việt Nam có chiều hướng nợ trong nước, vì đây là kênh huy động vốn quan trọng cho NSNN, đồng thời là thị trường chuẩn để dẫn dắt sự phát triển của các thị trường tài chính khác (tiền tệ, tín dụng, cổ phiếu).

"Việc phát triển thị trường trái phiếu chính phủ là một quá trình lâu dài, do vậy cần phải được khởi động sớm để đón đầu cho xu hướng chuyển dịch cơ cấu vay từ nước ngoài sang nguồn trong nước", Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Lào đã đưa ra khá nhiều câu hỏi xung quanh việc quản lý tài chính ngân sách, xử lý nợ nước ngoài, xử lý nợ trong nước,... đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được của Việt Nam trong quản lý điều hành ngân sách./.

Tin và ảnh: Đức Minh