Tiềm năng hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok tại cuộc gặp ngày 8/3/2024. Ảnh: Duy Dũng

Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau

Sáng ngày 8/3/2024, tại trụ sở Khu Liên hợp Chính phủ ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Tài chính, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đã phát biểu chào mừng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và đoàn công tác đến làm việc tại Hàn Quốc lần này. Phó Thủ tướng Choi Sang-mok cũng gửi lời chúc mừng việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, ngày 7/3.

Hàn Quốc muốn nhập khẩu “tính năng động” của nền kinh tế Việt Nam

Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choi Sang-mok cho rằng, tiềm năng phát triển của Việt Nam rất lớn. Năm ngoái lãnh đạo Chính phủ 2 nước cũng bày tỏ mong muốn làm thế nào để quan hệ kinh tế 2 nước phát triển hơn nữa. “Hàn Quốc đã đầu tư lớn ở Việt Nam, nhưng điều đó là chưa đủ. Chúng ta cần thúc đẩy thêm để cả hai cùng có lợi. Chúng ta hợp tác về số lượng cần nhiều, nhưng quan trọng nhất là chất lượng, phải tăng hơn nữa hiệu quả hợp tác. Hàn Quốc muốn nhập khẩu “tính năng động” của nền kinh tế Việt Nam” - Phó Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Choi Sang-mok nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nước ngoài trực tiếp số một tại Việt Nam, tính theo lũy kế. Điều này đưa Việt Nam trở thành quốc gia hợp tác kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Choi Sang-mok nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đầu tư căn cứ theo những thỏa thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra, cũng như cần thúc đẩy triển khai các thỏa thuận trong các lĩnh vực mở rộng thương mại; tăng cường đầu tư; hợp tác thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng; hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và nguồn nhân lực...

Việt Nam có nhiều ưu thế thu hút đầu tư

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ sự cảm ơn Phó Thủ tướng, kiêm Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã dành thời gian đón tiếp, làm việc với đoàn. Bộ trưởng thông tin tới Phó Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc về tình hình kinh tế nói chung và công tác quản lý tài chính ngân sách nhà nước nói riêng của Việt Nam.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12/2022. Đây là dấu mốc lớn trong quan hệ hợp tác 2 nước. Việt Nam rất coi trọng Hàn Quốc là đối tác hợp tác chiến lược trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Tính lũy kế đến tháng 12/2023, Hàn Quốc đứng thứ nhất trong danh sách các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số vốn đăng ký gần 86 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà tài trợ song phương châu Á lớn thứ 2 của Việt Nam.

Cho đến nay, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) đã ký 64 hiệp định vay, với tổng giá trị tài trợ là 2,8 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực, như: giao thông, y tế, vệ sinh môi trường... Hai bên đã ký kết các hiệp định khung với tổng vốn cam kết lên tới 4 tỷ USD. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai các dự án mới sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn EDPF.

Bộ trưởng cho rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Cụ thể, Bộ trưởng thông tin, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang ưu tiên phát triển đầu tư như cao tốc, cảng biển… đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc với số vốn 67 tỷ USD... Vì vậy, bên cạnh thu hút vốn ODA, Việt Nam cũng thu hút các nhà thầu. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc cũng quan tâm, hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng, hợp tác doanh nghiệp, chứng chỉ carbon, trái phiếu xanh, tiền kỹ thuật số... Đây là các định hướng phát triển của Việt Nam.

“Nợ công Việt Nam hiện chỉ chiếm 37/60% GDP. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thúc đẩy lợi thế này trong đầu tư hạ tầng, thúc đẩy hợp tác ODA, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên đầu tư vào các dự án” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP CHO SỰ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Tiềm năng hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa
Samsung được xem là biểu tượng của đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Sáng 8/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) Kim Joo-hyun. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi ý kiến ​​về các xu hướng trong ngành Tài chính của hai nước và thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác tài chính, trong đó có thị trường vốn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2024 hầu hết các tổ chức trong và ngoài nước đều dự báo kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn so với năm 2023, tăng trưởng GDP trong khoảng 5,5% - 7% và lạm phát ở mức từ 3,4% - 4,5%. Động lực tăng trưởng năm 2024 đến từ những thành tựu đổi mới, hội nhập và phát triển trước đó, nổi bật là sự ổn định và đảm bảo các cân đối vĩ mô…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và phía Hàn Quốc đã ký kết và thực hiện nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán, trao đổi thông tin, hỗ trợ hạ tầng công nghệ... Thị trường vốn phát triển của Hàn Quốc có thể là hình mẫu cho Việt Nam và mong muốn Hàn Quốc tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong trong thiết kế thể chế, giám sát và điều tiết liên quan đến thị trường vốn. Đặc biệt, hai bên chú trọng chia sẻ thông tin thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ (OJT) về hoạch định chính sách quản lý thị trường cũng như đề án phát triển thị trường trong dài hạn, phát triển thị trường chứng khoán xanh và bền vững; tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin để thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa của các doanh nghiệp tài chính có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Về phía Hàn Quốc, ông Kim Joo-hyun cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia mà các công ty tài chính Hàn Quốc thâm nhập vào nhiều nhất. Các công ty Hàn Quốc với kinh nghiệm phát triển của ngành tài chính, trong đó có thị trường vốn đã hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thực và cũng sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Kim Joo-hyun đề xuất thiết lập kênh hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban Dịch vụ tài chính với Bộ Tài chính Việt Nam và sở giao dịch chứng khoán hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Tài chính cũng có các cuộc làm việc với Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), Tập đoàn tài chính Hana, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM)…

Chiều ngày 8/3, Đoàn công tác Bộ Tài chính đã tới thăm và làm việc với Tập đoàn SamSung. Đón tiếp và làm việc với đoàn là ông Park Hark Kyu – Tổng giám đốc phụ trách Tài chính toàn cầu Tập đoàn SamSung.