Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Nhật Bản Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam và Nhật Bản

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản càng thể hiện sâu sắc những lúc khó khăn

Trả lời câu hỏi của báo chí Nhật Bản trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ông rất vinh dự khi trên cương vị Thủ tướng và là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức lần này.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, sâu sắc và hiệu quả hơn, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam…

Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Ảnh minh họa

Thủ tướng khẳng định, mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng thể hiện sâu sắc những lúc khó khăn và thách thức. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Trong dịch bệnh Covid-19, hai nước đã luôn chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

“Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Nhật Bản trong phòng chống dịch bệnh với các khoản viện trợ trên 4 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Về phía Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Để kế thừa và khai thác có hiệu quả hơn nữa truyền thống hợp tác, tiềm năng, thế mạnh của nhau, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản thực hiện hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác hiện nay. Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp tác mới để cùng nhau mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Cụ thể, hai nước tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch Covid-19; trước hết là trong lĩnh vực thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau; qua đó, thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân hai nước trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút từ Nhật Bản nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA với gói đủ lớn, ưu đãi, linh hoạt, thủ tục đơn giản nhất có thể, phù hợp trong điều kiện bối cảnh cần nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra; tập trung cho phục hồi kinh tế, hạ tầng chiến lược, hợp tác y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tiếp đó là tăng cường hợp tác về y tế, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin phòng chống Covid-19; phát triển công nghiệp dược; nghiên cứu xây dựng trung tâm an toàn sinh học cấp độ 4; tăng cường năng lực y tế cho các bệnh viện tuyến cuối, hợp tác đầu tư nâng cấp một số bệnh viện lớn của Việt Nam như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân; hợp tác về văn hóa - du lịch.

Thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có các thỏa thuận về chuyển giao thiết bị, công nghiệp quốc phòng, tàu tuần tra, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ…; đồng thời, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).

Chính phủ Việt Nam luôn thấu hiểu và hết sức chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi Việt Nam cam kết như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để Chính phủ cũng như doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn thấu hiểu và hết sức chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.

Vừa qua, Thủ tướng đã có nhiều buổi làm việc và trực tiếp lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản. Thủ tướng cho biết, hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục kinh doanh và đầu tư mới vào Việt Nam, Chính phủ đang tập trung vào một số định hướng chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác và phát triển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là điều hành kinh tế tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, quản trị ngành; hoàn thiện thể chế, tiến hành sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thiểu thủ tục đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính…

Chính phủ sẽ xem xét xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống (thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, cước phí viễn thông; thúc đẩy việc mở lại đường bay quốc tế, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới…).

Đồng thời, Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư cho hạ tầng chiến lược; kêu gọi các phương thức đầu tư có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

“Nhân đây, tôi đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản đã chung sức, đồng lòng, chia sẻ với chúng tôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đóng góp cho Quỹ vắc-xin của Việt Nam. Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đây là giá trị hết sức quý báu trong quan hệ bạn bè tin cậy, chân thành giữa hai nước” - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp Việt - Nhật đang đứng trước cơ hội lớn Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp Việt - Nhật đang đứng trước cơ hội lớn

Chiều ngày 23/11, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị hợp tác địa ...

Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh phát triển hàng đầu Nhật Bản Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh phát triển hàng đầu Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt ...