CKVIC bị bán ròng kỷ lục

Giá giảm nhiều trong hơn 5 tháng qua khiến quy mô vốn hóa của VIC đã tụt xuống dưới VCB. Tuy vậy VIC vẫn là cổ phiếu lớn thứ 2 thị trường. Ngay đầu phiên hôm nay, VIC đã sụt giảm khoảng 0,8% và trong vài phút giảm trên 1%. Đến gần 9h30 sáng, VIC đã bốc hơi hơn 3% giá trị.

Đà giảm chóng mặt này của VIC đi liền với áp lực bán ra khổng lồ của nhà đầu tư nước ngoài. Khối này khống chế hoàn toàn thanh khoản của VIC, gần như chỉ bán ra cho nhà đầu tư trong nước mua vào. Đến hết phiên VIC bị xả tổng cộng 16,84 triệu cổ trong đó 3,7 triệu cổ là qua thỏa thuận. Tổng giá trị bán ròng tại VIC lên đến 1.144 tỷ đồng.

Đây là phiên bán ròng kỷ lục tại VIC mà hầu hết là qua giao dịch khớp lệnh. Loại giao dịch này là tung hàng ra thẳng trên sàn, gặp cầu thì khớp. Do đó khối lượng bán quá lớn sẽ làm ngập lụt thị trường khiến nhà đầu tư sợ hãi. Thực tế đến 10h sáng, giá của VIC đã "bốc hơi" 3,94%.

VIC tạo sức ép rất lớn lên VN-Index và khiến chỉ số này ngay từ sáng đã có một nhịp giảm nhẹ. Đến chiều chỉ số còn giảm nhiều hơn dù VIC không giảm thêm. Mức sâu nhất VN-Index chạm tới là 1.341,23 điểm. Tuy nhiên thú vị nhất là thời điểm cuối phiên, khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn lúc các chỉ số trong trạng thái ngấp nghé tăng. Nếu VIC vẫn giảm thì nguy cơ cao là các chỉ số cũng giảm.

Và VIC giảm thật, thậm chí còn giảm sâu hơn so với cuối đợt khớp lệnh liên tục. VHM cũng sụt giảm sâu hơn trong đợt ATC. Bất ngờ là VN-Index giảm chỉ khoảng 1 điểm, VN30-Index thậm chí còn tăng cao hơn. Lý do là tuy VIC, VHM giảm, nhưng các chỉ số được hỗ trợ bằng nhiều cổ phiếu khác và số lượng đã chiến thắng vốn hóa.

Nhóm ngân hàng bật lên khá cao: VCB tăng 1,03%, CTG tăng 1,61%, BID tăng 1,55%, TCB tăng 1,45%, VPB tăng 1,72%, HDB tăng 1,41%, MBB tăng 1,28%. Ngoài ra MSN tăng 3,38%, GAS tăng 1,2%, VRE tăng 5,08%... Các cổ phiếu này được đẩy giá vọt lên ở đợt ATC, bù đắp lại mức giảm sâu của VIC và VHM.

Động lực nhất thời

VN-Index đóng cửa trên tham chiếu 0,04 điểm, nhưng vẫn được tính là tăng. VN30-Index đáo hạn phái sinh với mức tăng 4,13 điểm tương đương 0,29%. Thị trường được coi là tăng hôm nay nếu nhìn vào chỉ số. Tuy nhiên nếu không có phiên đáo hạn phái sinh, tình hình sẽ trở nên khó đoán hơn.

Khá nhiều cổ phiếu blue-chips được kéo từ giảm thành tăng hoặc từ tham chiếu thành tăng trong giao dịch cuối cùng của phiên ATC. Nói cách khác, việc chỉ số tăng, thị trường tăng hôm nay có yếu tố thời điểm.

Thanh khoản hôm nay rất nhỏ, đặc biệt trong thời điểm cổ phiếu được đẩy giá lên. Lấy ví dụ VN30 phiên chiều nay giao dịch chưa tới 3 ngàn tỷ đồng. Tổng thanh khoản sàn HOSE cả phiên tụt xuống 16,7 ngàn tỷ đồng, mức thấp nhất 3 tuần.

Thông thường ở các phiên đáo hạn phái sinh, diễn biến giá các blue-chips rất khó đoán trong đợt đóng cửa. Ví dụ hàng loạt mã ngân hàng được đẩy mạnh lên đã bù đắp hiệu quả cho việc giảm giá của VIC. Vấn đề là một giao dịch đột biến mang tính thời điểm như vậy không có nghĩa là sức mua sẽ bền vững.

Nếu nhớ lại thì phiên ngày 19/8 vừa qua cũng là một ngày đáo hạn phái sinh, VN-Index tăng 1,02%, VN30-Index tăng 1,04%. Khi đó rất nhiều quan điểm lạc quan về diễn biến tăng đó, nhưng hai phiên kế tiếp lại là nhịp giảm sốc.

Thanh khoản ngày càng giảm hiện tại chưa thể hiện được lòng tham xuất hiện và đó là điều quan trọng hơn biến động chỉ số mỗi ngày. VN-Index có thể lên xuống nhưng không thay đổi xu hướng đi ngang. Vì vậy cơ hội tăng vẫn chia đều cho rủi ro điều chỉnh.

chứng khoán 16-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

16.765 tỷ đồng (-2%)

570,5 triệu (-12%)

3.120 tỷ đồng (0%)

157,9 triệu (-7%)

Khánh Nhi