Đây là nhận định của ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán Phụ trách khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
* PV: Ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?
![]() |
Tổng thống Mỹ qua Việt Nam là thông tin tích cực đối với nhà đầu tư, tạo cú hích tâm tý trong ngắn hạn và tác động một cách trực tiếp về dài hạn tới thương mại và kinh tế của Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Linh |
Ông Nguyễn Duy Linh: Theo tôi, thị trường tháng 5 này sẽ tiếp tục cho những chuyển biến tích cực bởi có những thông tin tốt đang hỗ trợ như: chỉ số PMI cao nhất trong 9 tháng qua; tái cơ cấu ngành tài chính ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực khi phát biểu của tân Thống đốc NHNN cũng nói về câu chuyện này; và điểm cốt lõi giúp VN-Index tăng trong giai đoạn gần đây là vốn ngoại đã quay trở lại và mua ròng liên tục…. Đó là những yếu tố sẽ tác động tích cực ngắn hạn đến thị trường tháng 5 này.
* PV: Với đà tăng của nhóm "cổ phiếu vua" thời gian qua, ông có nghĩ rằng nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục tạo trụ đỡ cho thị trường hay không?
Ông Nguyễn Duy Linh: Cổ phiếu ngân hàng đang được đón tín hiệu từ hai câu chuyện lớn: Sự mạnh dạn của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và dòng vốn ngoại đang tích cực vào cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, để xem xét nhóm cổ phiếu này có tăng được nữa hay không, thì chúng ta phải theo dõi động thái của nhà đầu tư nước ngoài một cách sát sao mới có được hành động phù hợp.
* PV: Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng vốn ngoại vào cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là P-Notes (một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho NĐT nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư hoạt động ở các TTCK mới nổi). Điều này liệu có đủ sức để giúp nhóm này “giữ trụ”, trong vài tháng tới không, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Linh: Như chia sẻ ở trên, đây chỉ là lý do ngắn hạn, nên việc tiếp theo của nhà đầu tư là phải theo sát hành động của khối ngoại, đừng nghĩ rằng, họ đã mua và họ sẽ mua tiếp. Do vậy, tôi xin nhấn mạnh lại, nhà đầu tư cần theo dõi thường xuyên để xem xu hướng dòng tiền mua vào của khối ngoại còn hay không; bởi chưa xác định được xu thế bền vững của dòng tiền khối này.
![]() |
Nhà đầu tư cần theo sát diễn biến dòng vốn ngoại. Ảnh: D.T |
* PV: Ông nhận định thế nào về chỉ số VN-Index ngắn hạn?
Ông Nguyễn Duy Linh: Chỉ số VN-Index đã có lúc tiến sát ngưỡng 617 điểm (ngày 12/5) và cá nhân tôi nghĩ chỉ số sẽ còn tích cực trong một vài tháng tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tôi có cảm nhận rằng, ngưỡng kháng cự 618-620 điểm có thể đặt ra một số điều chỉnh nhỏ. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi là không phải tạo ra sự đảo chiều mà thị trường vẫn tiếp tục xu thế tăng. Tôi cho rằng, trong một vài tháng tới, thị trường có thể đạt mức 640 điểm.
* PV: Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định VN-Index có thể đạt mức 640 điểm trong vài tháng tới?
Ông Nguyễn Duy Linh: Mọi người đang lo ngại về hiệu ứng “bán tháng 5”, nhưng theo tôi, những thông tin gần đây cho thấy thị trường sẽ tiếp tục đi lên bằng những thông tin tích cực như: PMI cao nhất trong 9 tháng, dòng vốn ngoại tích cực và đặc biệt là quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế từ Chính phủ, nhất là hệ thống tài chính, ngân hàng.
* PV: Ông đánh giá thế nào về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp sang Việt Nam trong tháng 5 này?
Ông Nguyễn Duy Linh: Tôi nghĩ, việc Tổng thống Mỹ qua Việt Nam chứng tỏ rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay đang phát triển rất tốt. Mọi người đều thấy rằng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tốt sẽ tác động tới hai vấn đề là: Dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam và thương mại giữa Việt Nam và các nước sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Hơn nữa, điều này còn tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới. Một minh chứng cụ thể là Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nằm trong một hiệp định thương mại tự do rất lớn là Hiệp định TPP. Chính điều này là nền tảng cho sự tăng trưởng lâu dài; còn trong ngắn hạn cũng tạo ra cú hích về tâm lý tin vào thị trường nhiều hơn của nhà đầu tư ngắn hạn.
Do vậy, tôi đánh giá đây là thông tin tích cực đối với nhà đầu tư và tác động một cách trực tiếp về dài hạn tới thương mại và kinh tế của Việt Nam.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Duy Thái