Pháp lý ngày càng hoàn thiện, liên tục cảnh báo và hành động quyết liệt

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và phần nào đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này cũng đã cho thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

Vụ việc hủy 9 đợt “trái phiếu Tân Hoàng Minh”: Các trái chủ nên chủ động tìm nhà phát hành đòi quyền lợi

Nhà đầu tư cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin…trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trước thực tiễn đó, để thị trường TPDN, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ phát triển an toàn, ổn định, minh bạch, khung pháp lý đã liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Sau Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020, các văn bản hướng dẫn cũng sớm được ban hành như: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Nghị định 128/2021/NĐ-CP; Thông tư 16/2021/TT-NHNN;…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tích cực hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP với nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn để thị trường TPDN phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.

Cùng với khung pháp lý, từ năm 2019 tới nay, Bộ Tài chính đã liên tiếp có những cảnh báo về thị trường này đối với doanh nghiệp phát hành, các bên tham gia và nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Những cảnh báo từ cơ quan quản lý phát đi từ năm 2019 và sau đó liên tục nâng tần suất, cấp độ trong năm 2020, 2021. Vào đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành TPDN.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã hai lần có văn bản chỉ đạo (tháng 9 và tháng 12/2021) các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường TPDN.

Tại các văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam,… đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Không chỉ dừng ở cảnh báo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị liên quan đã tiếp tục có văn bản gửi các doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp dịch vụ TPDN để chấn chỉnh hoạt động của thị trường này.

Trong đó, đáng chú ý, UBCKNN đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Kết quả là 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán đã bị phạt nặng; đồng thời phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, ngày 3/4/2022, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

3 đơn vị sai phạm đều không phải công ty đại chúng và không báo cáo

Liên quan tới việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh, lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, theo quy định hiện hành, việc chào bán TPDN riêng lẻ phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Qua rà soát, 3 công ty nêu trên đều là công ty chưa đại chúng và các công ty này không báo cáo UBCKNN về các đợt phát hành và chỉ đăng ký thông tin qua cổng thông tin TPDN của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX).

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Trần Minh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh đều là 3 công ty chưa đại chúng, nên căn cứ theo quy định, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ không thuộc diện UBCKNN quản lý và chấp thuận hồ sơ phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán, cũng như Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP nên cơ quan này đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ nêu trên.

“Động thái của cơ quan quản lý là cần thiết. Đã đến lúc, chúng ta cần có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh thị trường và bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân” – Luật sư Trần Minh Hải nói.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cũng cho biết, đã kịp thời chỉ đạo UBCKNN phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét; đồng thời, kiểm tra các tổ chức tư vấn, hồ sơ chào bán, đại lý phát hành cho các đợt chào bán của 3 công ty nêu trên.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán kiểm tra các công ty kiểm toán đã kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty trên. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư chủ động đòi quyền lợi sớm

Đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết, theo quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu vừa qua, thì 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có trách nhiệm chấp hành quyết định và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư mua trái phiếu trong 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ từ tháng 7/2021- 3/2022 của các công ty đó cần liên hệ với chủ thể phát hành để được hoàn trả tiền mua trái phiếu.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, về lý thuyết, các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có quyền khiếu nại nếu cho rằng mình không thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp hủy các đợt trái phiếu đã phát hành. Trường hợp không phản hồi đối với quyết định từ phía UBCKNN, tập đoàn này sẽ phải thực hiện theo quy định là hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và bồi hoàn thiệt hại khi nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

“Nghị định 128/2021/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư cá nhân quyền nhận lại tiền mua trái phiếu và quyền yêu cầu công ty phát hành bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải gửi đến công ty phát hành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định xử lý như trên của UBCKNN” – Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh.

Nguyên tắc của trái phiếu doanh nghiệp là tự vay,
tự trả, tự chịu trách nhiệm

Trong các lần phát đi thông điệp cảnh báo, cơ quan quản lý đều nhấn mạnh, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu phát hành, tài sản bảo đảm, đơn vị tư vấn, bảo lãnh,… trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.