BVP

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

Thảo luận tại tổ chiều 8/6 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN), các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc phòng chống Covid-19 của Việt Nam, qua đó nâng cao niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên mắt bạn bè thế giới. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt (đoàn Lạng Sơn), điều lớn nhất mà chúng ta đã tạo được là môi trường chính trị, môi trường đầu tư, niềm tin của người dân rất tốt.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập nhiều đến những xu hướng, giải pháp thời gian tới để giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.

Tránh bài học kích cầu giai đoạn 2008 - 2010

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), từ nay tới cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với hoạt động xuất nhập khẩu nên cần tập trung vào sản xuất và kích cầu tiêu dùng trong nước. Song đại biểu cũng lưu ý bài học về kích cầu giai đoạn 2008-2010, khi thực hiện một loạt các giải pháp về kích cầu tiêu dùng, đầu tư công, chính sách tài khóa đã dẫn đến những hệ lụy về lạm phát, bất ổn vĩ mô. Do đó, đại biểu đề nghị khi thực hiện các giải pháp như nới lỏng tiền tệ, tài khoá, thúc đẩy đầu tư công (chuyển nhiều dự án PPP sang đầu tư công)… Chính phủ cần hết sức thận trọng.

"Các giải pháp phải xoay quanh trục: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội. Nếu nới quá tay sẽ để lại hậu quả", đại biểu Bùi Văn Phương nói và nhấn mạnh nếu không kiểm soát tốt sẽ để lại hệ lụy lớn về lâu dài.

Ngoài ra, về các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng đến nay chúng ta chưa có nền tảng để xác định kế hoạch giai đoạn tới 2021-2025, việc tính toán để xây dựng dự toán ngân sách trong giai đoạn tới cũng còn khó. Do đó, nguồn lực để thực hiện chương trình đầu tư công giai đoạn tới chưa xác định được. Chính phủ cần tính toán hợp lý để xác định số liệu, nguồn lực của các chương trình này.

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nêu ra 5 mục tiêu Việt Nam cần chú trọng. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là phải giữ thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là khi diễn biến dịch bên ngoài còn phức tạp. Mục tiêu thứ 2 là ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vì thế liên tục tăng trưởng. Mục tiêu tiếp theo là phải bảo đảm được an sinh xã hội.

Mục tiêu thứ 4 là phải giúp doanh nghiệp (DN) giữ được chân người lao động. "Từ đầu năm đến nay có khoảng 26.000 DN tạm ngừng hoạt động, con số này tăng. Nhưng số DN làm thủ tục giải thể giảm, tức là DN vẫn chờ cơ hội để phục hồi phát triển, là tín hiệu tốt, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ DN...", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Cuối cùng, đại biểu lưu ý mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh. Nếu giải ngân hết 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay thì hiệu quả rất tốt vì sẽ thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công nhanh thì càng phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, tránh dàn trải, thiếu kiểm soát.

Về dài hạn, đại biểu đề nghị cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu DNNN, đầu tư cho DN trọng điểm, phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chương (đoàn TP.HCM) cho rằng quan trọng bây giờ là các giải pháp để DN phục hồi và cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. "Các giải pháp đều đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao. Đừng để chiếc xe đang chạy bị hết xăng phải dừng lại giữa đường", đại biểu Nguyễn Văn Chương nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) và một số đại biểu nêu quan điểm cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch, cũng như chuẩn bị cơ chế để thu hút đầu tư FDI, điều mà nhiều nước đã và đang làm mạnh, nếu không sẽ mất cơ hội.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng lưu ý các chính sách hỗ trợ DN, người dân cần gắn sát với thực tiễn để đảm bảo đúng đối tượng, đúng thời điểm, tránh việc cào bằng, làm giảm hiệu quả chính sách.

Giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ, "đắp chiếu"

Cùng với các giải pháp phù hợp với tình hình mới, đại biểu Thuận Hữu (đoàn Hải Phòng) cho rằng cũng phải có các giải pháp giải quyết những tồn đọng lớn đang gây bức xúc như các dự án yếu kém, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. "Không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ…", đại biểu Thuận Hữu nói.

Đại biểu Thuận Hữu cũng nhận định, Thủ tướng rất tâm huyết, Thường trực Chính phủ rất quyết liệt, nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt cùng một hướng, cứ đưa việc này ra lại ách tắc việc kia, không dám quyết.

Đại biểu nêu nhiều dẫn chứng như dự án Nhiệt điện Thái Bình, hay dự án Gang thép Thái Nguyên… "chúng tôi rất đau lòng", ông nói.

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được đại biểu nhắc đến và xem là "nhức nhối nhất" khi đã đầu tư rất nhiều tiền, mất rất nhiều thời gian mà đến giờ không biết bao giờ sử dụng.

Theo đại biểu Thuận Hữu, dự án này cũng gần xong, nhưng giờ tổng thầu "đòi" 50 triệu USD để vận hành là "nhát dao chém vào lòng tin của người dân". "Đường sắt đó nếu không xử lý nhanh sẽ biến thành bảo tàng đường sắt. Dân bức xúc ghê gớm lắm", đại biểu Thuận Hữu nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ, nhất là các bộ, ngành vào cuộc đồng bộ, xử lý dứt điểm, không để kéo dài vì càng kéo dài càng thiệt hại./.

Phát biểu tại phiên họp tổ chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến 12 dự án thua lỗ và nhìn nhận khuyết điểm là do chúng ta chưa có kinh nghiệm về kinh tế thị trường. "Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu dự án ethanol, dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi? Rồi Gang thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ làm sao có thể khắc phục được? Cái này cần có thời gian tiếp tục thúc đẩy giải quyết", Thủ tướng nói.

Với Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Thủ tướng nhắc đến các vấn đề bao tiêu sản phẩm, thuế khoá, ưu đãi thu hút nhà đầu tư là nhằm mục tiêu "bỏ con tép mà bắt con tôm", tức là chấp nhận thua thiệt trong thu hút đầu tư để có được một cơ sở năng lượng, có dự trữ dầu khí nước ta.

Hay với Dự án Cát Linh - Hà Đông đến nay chưa được bàn giao hồ sơ an toàn, nên các bên đang phải tích cực thảo luận để tới đây giải quyết dứt điểm, Thủ tướng hi vọng dự án này có thể chạy được trước Đại hội là một "may mắn lớn".

Từ những ví dụ trên, Thủ tướng cho rằng dù là chuyện cũ hay mới, Chính phủ khóa này hay khóa trước thì đều phải cùng chịu trách nhiệm, đưa đất nước tiến lên. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm cán bộ phải nghiêm.

Hoàng Yến