* TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV:

Nhiều nền tảng từ nội lực hỗ trợ thị trường

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi, tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2023 và các năm tiếp theo nhờ được hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, hoạt động của doanh nghiệp (DN) khả quan.

TS. Cấn Văn Lực

Về vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái.

Các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn như lạm phát, lãi suất và tỷ giá cũng cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Nợ công cơ bản vẫn trong ngưỡng an toàn.

Ngoài ra, nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của DN cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của phần lớn các DN niêm yết tăng trưởng tích cực, cả năm 2022 dự báo tăng khoảng 18% và năm 2023 dự báo tăng khoảng 10 - 15%. Bên cạnh đó, thị giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn, thấp hơn hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Để TTCK Việt Nam sớm phục hồi, các cơ quan quản lý tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng ở mức phù hợp; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường như: chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu.

* Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital Group:

Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại

Ông Dominic Scriven

Nhìn chung tình hình vĩ mô của Việt Nam hiện tại có nhiều điểm đáng khích lệ, đặc biệt là khi so sánh với các nước khu vực và trên thế giới. Việt Nam có những cơ hội và thế mạnh trong việc thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ trên TTCK mà còn trong các lĩnh vực thương mại hay đầu tư, sản xuất, thậm chí khai thác các thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Vị thế vĩ mô là một điểm rất đáng mừng cho Việt Nam nhờ cách quản lý bền vững và ổn định của Chính phủ. Nếu vĩ mô ổn định, tích cực thì các thị trường tài sản tài chính cũng sẽ được phản ánh thông qua giá trị tài sản cổ phiếu, trái phiếu,… Vì vậy, nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ tình hình vĩ mô.

* Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS:

Quản lý danh mục tốt và “lọc kỹ” cổ phiếu đầu tư là điều quan trọng

Ông Lê Đức Khánh

Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở khu vực thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế ổn định đi kèm với việc nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ là động lực hỗ trợ nền kinh tế và TTCK. Các chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoạt động đầu tư kết hợp với lãi suất huy động điều chỉnh giảm là động thái tiếp theo hỗ trợ dòng tiền tham gia vào TTCK.

VN-Index được dự báo sẽ không giảm sâu và có thể tăng điểm hồi phục và dao động tích cực trở lại tại khu vực 1.100 – 1.280 điểm trong năm 2023.

Thị trường giá xuống cũng sẽ kết thúc bởi một chu kỳ và giai đoạn thị trường giá lên. Nhà đầu tư tại lúc này không nên quá bi quan và đừng đánh mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, niềm tin vào chính mình. Những rủi ro luôn song hành cùng cơ hội khi tham gia vào thị trường, đặc biệt là giai đoạn sắp tới năm 2023. Quản lý danh mục tốt đi kèm với việc chọn lọc kỹ cổ phiếu đầu tư là điều quan trọng.

* Ông Vũ Đức Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS):

Niềm tin vào thị trường sẽ được cải thiện

Ông Vũ Đức Tiến

Niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK sẽ được cải thiện trở lại, bởi sau quá trình thị trường điều chỉnh mạnh, dòng tiền “nóng” rút ra, thì sẽ lại tạo cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn với dòng tiền bền vững hơn có cơ hội tham gia trở lại.

Đối với các yếu tố nội tại, mặc dù thách thức khó khăn là có, nhưng kinh tế vĩ mô trong nước và sức khỏe DN niêm yết vẫn khả quan sẽ là trợ lực quan trọng cho TTCK tăng trưởng dài hạn. TTCK luôn có biến động và trong ngắn hạn có thể có những biến động bất thường thái quá (cả chiều tăng và giảm), nhưng trong trung và dài hạn thị trường là hàn thử biểu, phản ánh đúng sự vận động của nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam dù vừa trải qua giai đoạn đại dịch khó khăn nhưng đã hồi phục rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Các tổ chức quốc tế đều đưa ra các đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn. Mức định giá của TTCK Việt Nam trong tương quan với tiềm năng tăng trưởng của DN hiện đang rất hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

* Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc điều hành, Quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu, VinaCapital:

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025 vẫn khả thi

Bà Nguyễn Hoài Thu

Quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam đã lớn hơn nhiều nước thuộc thị trường mới nổi, tính cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ vốn hóa/GDP. Với quy mô thị trường như vậy cộng với việc nền tảng tốt của kinh tế Việt Nam, cơ hội thu hút nguồn vốn ngoại vào TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ rất lớn, một khi việc nâng hạng được hoàn thành.

Kế hoạch nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025 hiện tại vẫn khả thi. Chuyển động thực tiễn nhất đến từ chủ trương và ý chí của Chính phủ. Sau khi sửa đổi một loạt các luật có liên quan, nổi bật là đưa sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo quyết định “Phê duyệt Chiến lược Phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030”, định hướng TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.

Chúng tôi cho rằng, việc nâng hạng thị trường chắc chắn là một điều kiện tiên quyết để hướng tới mục tiêu này. Các chủ trương này góp phần đốc thúc các cơ quan quản lý thị trường trong việc triển khai kế hoạch đã được đặt ra một cách kịp thời, nhanh chóng. Trên thực tế, thị trường đã có sự chuyển động tích cực như việc triển khai giao dịch lô lẻ và chu kỳ thanh toán T+2,...