Thành ủy Hà Nội phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 Triển khai Luật Thủ đô: Ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện

Nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa là nhiệm vụ hàng đầu

Tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra sáng 14/11, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, chính quyền địa phương nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Xây dựng nền hành chính Thủ đô pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại
GS.TS Trần Ngọc Đường trình bày một số ý kiến để triển khai Luật Thủ đô.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.

PGS. TS Lê Hải Bình - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông pháp lý để thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Để làm được điều này, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã thành phố thuộc thành phố với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND (Điều 14).

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư và các thủ tục khác.

Sắp xếp lại bộ máy, đổi mới phương thức làm việc

Bàn về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô, GS.TS Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh, cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp của chính quyền Thủ đô theo hướng sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở phân định rõ hơn tổ chức của mỗi cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, khuyến khích sáp nhập và tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp của chính quyền Thủ đô ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực ở đô thị; tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhận nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính;

Xây dựng nền hành chính Thủ đô pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.

Đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của nhà nước.

Một nhiệm vụ khác cần thực hiện là cải cách chế độ công vụ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của các cấp chính quyền Thủ đô...

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia và cho rằng, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô, cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội.

Vì thế, qua hội thảo, không chỉ cung cấp thêm cho thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật. Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, UBND, HĐND thành phố và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của luật thuộc thẩm quyền của thành phố.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.