Mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình thực tiễn

Hệ thống pháp luật về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện kể từ thời kỳ đổi mới kinh tế đất nước.

Khởi đầu vào năm 1990, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 1/4/1991; đến năm 2007, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi)
Ảnh: Minh họa

Luật Thuế TNCN với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép áp dụng giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.

Việc thực hiện Luật Thuế TNCN đã góp phần phát huy tích cực vai trò của sắc thuế này trong nền kinh tế và động viên được một nguồn lực quan trọng. Đến nay, xét từ giác độ động viên ngân sách nhà nước, thuế TNCN đã trở thành một trong 4 sắc thuế quan trọng nhất trong hệ thống thuế của Việt Nam. Số thu từ thuế TNCN không ngừng mở rộng cả về số tuyệt đối cũng như mức độ động viên trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Đồng thời, việc thực hiện chính sách thuế TNCN cũng đã góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế…

Những năm gần đây, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới thay đổi không ngừng, dưới áp lực của quá trình toàn cầu hóa và tăng cường hội nhập, hệ thống chính sách thuế của mỗi nước cũng phải dần hướng tới các chuẩn mực và thông lệ chung, đòi hỏi chính sách thuế TNCN của Việt Nam cần phải tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của xã hội hiện nay là quy định về GTCG. Theo quy định, khi thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, bên cạnh việc cho phép trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định…, thì cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo mức nhất định cho bản thân người nộp thuế cùng người phụ thuộc và số thu nhập còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế.

Quá trình thực hiện Luật thuế TNCN cho đến nay, mức GTGC đã luôn được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:

Từ 1/1/2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Từ 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc 2 là 3,6 triệu đồng/tháng.

Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Nghiên cứu sửa nhiều quy định của Luật Thuế TNCN

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 4/2023, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2022 là 4,67 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,23 triệu đồng/tháng/người.

Xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi)

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là hơn 2,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người theo kết quả khảo sát nêu trên và cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay (Vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, Vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng, Vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng, Vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng).

Có thể thấy, mức GTGC nêu trên là phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người lao động trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách thuế TNCN phát huy tính hiệu quả cùng với tiến trình phát triển, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo chính sách mang tính dự báo, tính dài hạn thì cần xem xét mức GTGC cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tiếp theo.

Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân và việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, nguồn thu từ thuế TNCN trong quỹ NSNN để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu về cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN. Đồng thời, quy định phù hợp thông lệ quốc tế, khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Cải cách hệ thống thuế phải đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về thể chế liên quan đến chính sách thuế với cải cách thể chế quản lý thuế theo hướng thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, đối với Luật thuế TNCN, cùng với việc xem xét mức GTGC phù hợp thì cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần và mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao; hay chính sách thuế đối với các khoản thu nhập mới phát sinh..., để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN trong các năm 2025 và 2026./.

Điều tiết thu nhập của cá nhân và đóng góp cho NSNN

Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân và việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, nguồn thu từ thuế TNCN trong quỹ NSNN để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.