Thặng dư thương mại 9 tháng tăng 42% so với cùng kỳ

Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết, xuất khẩu của nước này đã ghi nhận giá trị hàng tháng cao nhất là 110,8 tỷ MYR vào tháng 9/2021, tăng 15,9% so với tháng 8 và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tháng thứ 13 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng (so với cùng kỳ năm trước) kể từ tháng 9/2020 và cũng là tháng thứ 4 trong năm xuất khẩu đạt giá trên trên 100 tỷ MYR. Động lực chính đến từ xuất khẩu trong nước và tái xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu nội địa đạt 87,7 tỷ MYR, đóng góp 79,1% vào tổng xuất khẩu, tăng 22,4% so với tháng 9/2020. Còn tái xuất khẩu đạt giá trị 23,2 tỷ MYR, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo DOSM, cùng với sự tăng trưởng hàng năm, 168 trong số 254 nhóm hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Về sản phẩm, DOSM cho biết việc mở rộng xuất khẩu được thúc đẩy bởi các sản phẩm dầu mỏ, sản xuất kim loại bên cạnh dầu cọ và các mặt hàng điện và điện tử (E&E). Trong đó, dẫn đầu là doanh thu của ngành khai khoáng (48,1%), nông nghiệp (47,6%) và lĩnh vực sản xuất (21,6%). Sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu cao hơn các sản phẩm điện và điện tử (5,6%), tiếp theo là các sản phẩm hóa chất và hóa chất (38,7%) và các sản phẩm dầu mỏ (148,0%).

Xuất khẩu của Malaysia đạt mức tăng kỷ lục
Ảnh: TL minh họa

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu có sự gia tăng so với cùng kỳ là: Singapore (+4 tỷ MYR), tiếp theo là Trung Quốc (+3 tỷ MYR), Mỹ (+2 tỷ MYR), Indonesia (+1,7 tỷ MYR), Ấn Độ (+1,4 tỷ MYR), Hồng Kông (+1,1 tỷ MYR) và Nhật Bản (+879,4 triệu MYR).

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đạt 889,33 tỷ MYR, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Về nhập khẩu, tháng 9 năm 2021 giá trị nhập khẩu của Malaysia đạt 84,70 tỷ MYR, tăng 14,2% so với tháng 8 và 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 tháng qua, vượt mức ước tính của thị trường là 15,4%. Động lực chính khiến xuất khẩu trong tháng 9 tăng là do lượng mua tăng ở tất cả các lĩnh vực: hàng hóa trung gian (29,7%), hàng hóa tư bản (20,3%) và hàng tiêu dùng (3,7%).

Cũng theo Cục Thống kê nước này, 147 trong số 260 nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng tích cực. Về đối tác, Trung Quốc tiếp tục là nước đóng góp lớn vào sự gia tăng nhập khẩu (+4,6 tỷ MYR), tiếp theo là Singapore (+2,1 tỷ MYR), Liên minh châu Âu (+1,9 tỷ MYR), Indonesia (+ 1 MYR), Đài Loan (+1,5 tỷ MYR), Mỹ (+1 tỷ MYR) và Hàn Quốc (+930,7 triệu MYR).

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng nhập khẩu của Malaysia đạt gần 712 tỷ MYR, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc xuất khẩu gia tăng lớn hơn nhập khẩu, cán cân thương mại của Malaysia đều thặng dư và tăng hơn so với các kỳ trước ở cả chỉ tiêu tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Theo đó, tháng 9 năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 26,13 tỷ MYR, tăng 22,2% so với tháng 8 năm 2021 và tăng 19,0% so với tháng 9 năm 2020. Trong khi đó, cán cân thương mại thặng dư 177,35 tỷ MYR, tăng 41,96% so với 9 tháng đầu năm 2020.

Các giải pháp hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ

Có được kết quả ấn tượng này ngoài nhu cầu hồi phục chung của thế giới thì Chính phủ Malaysia đã có những chỉ đạo kịp thời trong quyết sách điều hành nhằm ứng phó với Covid-19 và phục hồi kinh tế quốc gia, theo đó Chính phủ đã ban hành một số gói kích thích kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021 với tổng giá trị lên tới 85 tỷ MYR.

Cụ thể, trong tháng 9/2021, nước này đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ MYR (khoảng 2,4 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho khoảng 200.000 doanh nghiệp vi mô, gia hạn chương trình trợ cấp lương và hỗ trợ người dân thuộc nhóm dưới và nhóm trung bình trong thang xếp hạng thu nhập thấp vượt qua khó khăn.

Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố gói kích thích tài chính 40 tỷ MYR (tương đương 9,7 tỷ USD), được dùng cho việc cải thiện hệ thống y tế công, cung cấp tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp và trợ cấp tiền lương cho lao động.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Chính phủ đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 20 tỷ MYR (khoảng 4,9 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bao gồm tăng chi cho tiêm chủng, tăng hỗ trợ tiền mặt, trợ cấp, đẩy mạnh công tác đào tạo cho các cá nhân và doanh nghiệp. Và vào tháng 01/2021, nước này đã công bố gói kích cầu trị giá 15 tỷ MYR (khoảng 3,7 tỷ USD) tập trung hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo, miễn giảm thuế, trợ cấp tiền lương./.